Sẵn sàng cho mùa mua sắm cuối năm
Doanh nghiệp tất bật chuẩn bị hàng Tết
Dù còn 2 tháng nữa mới đến tết Nguyên đán 2024 nhưng nhiều doanh nghiệp đã vào cao điểm sản xuất hàng Tết, tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới, tiện dụng với giá cả phải chăng để phục vụ người tiêu dùng.
Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc khối hành chính – nhân sự Acecook Việt Nam cho biết, trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp chưa tăng giá bán sản phẩm mà còn giảm giá 5% cho một số mặt hàng. “Tết này, công ty cố gắng đưa sản phẩm với giá cả tốt nhất đến tay người tiêu dùng, dự kiến sản lượng tăng khoảng 20% so với ngày thường”, ông Nam nói.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), thông tin công ty sẽ cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so với cùng kỳ với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng. Vissan đồng thời dự trữ thêm 10% – 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp thiếu hụt hàng hóa cung ứng cho thị trường.
Thời điểm này, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đã làm việc xong với các đối tác cung ứng để chuẩn bị nguồn hàng, phương thức kinh doanh phù hợp với xu hướng mới.
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp tết Giáp Thìn 2024, các đơn vị trực thuộc và Công ty thành viên Hapro đã lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ với số lượng hàng hóa trị giá 1.000 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
“Hapro sẽ dự trữ các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo…. Ngoài ra, Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như măng, miến, mộc nhĩ… và các loại quả, hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng,” ông Sơn thông tin với Vietnam+.
Giám đốc vùng miền Bắc chuỗi siêu thị GO!, Big C (Central Retail) Lê Mạnh Phong cho hay, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, ngay từ tháng 9, đơn vị đã thỏa thuận ký kết với các đối tác cung ứng hàng hóa phục vụ Tết với lượng hàng hóa tăng 20% so với năm 2023.
Hệ thống siêu thị Co.op Mart toàn quốc cũng đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết. Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hệ thống siêu thị Co.opmart đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng của Saigon Co.op đáp ứng đủ mọi phân khúc tiêu dùng. Đặc biệt, còn dành riêng một khu vực để các doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Theo báo Công Thương, hệ thống đã chuẩn bị nguồn hàng từ 3 tháng trước. Saigon Co.op cũng tính toán lại giá cả, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú nhưng có giá ổn định, cùng nhiều ưu đãi.
Tương tự, các hệ thống siêu thị khác như MM Mega Market, Satra, AEON, Hapro/BRG Mart, Central Retail… cũng tấp nập các đơn hàng lớn, chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.
Linh hoạt cách thức thu hút khách hàng
Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, 11 tháng năm 2023, doanh thu thương mại ước đạt hơn 634.000 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Hầu hết nhóm hàng đều có doanh thu bán lẻ tăng khá như: lương thực, thực phẩm (tăng 21,3%); hàng may mặc (tăng 5,3%); đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 12,9%)… Sở Công Thương dự báo sức mua tết Giáp Thìn 2024 sẽ tăng hơn 11% so với tết Quý Mão 2023
Nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp tết Dương lịch và Tết Giáp Thìn 2024, sở đã làm việc với các sở, ngành, doanh nghiệp để bình ổn thị trường, tổ chức các chương trình khuyến mại và các chương trình kết nối cung cầu. Ngoài ra, sở cũng sẽ phối hợp với các tỉnh, thành tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa tốt nhất cho người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định sẽ không để tình trạng thiếu hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Kantar Việt Nam dự báo cao điểm mua sắm sẽ rơi vào khoảng 5 tuần trước Tết, từ 7/1 đến 10/2/2024. Người tiêu dùng có thể sẽ không cắt chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng Tết. Tuy nhiên, họ sẽ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mại hơn, ưu tiên mua những sản phẩm có tính ứng dụng cao như thực phẩm, nhóm hàng tiêu dùng nhanh…
Nắm bắt xu hướng này, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng, cơ cấu hàng tương ứng. Chẳng hạn, Saigon Co.op ngoài chính sách trợ giá còn đẩy mạnh các sản phẩm hàng nhãn riêng, không chỉ đưa vào kinh doanh những sản phẩm mới mà còn mang đến nhiều giải pháp mua sắm, tiêu dùng tiết kiệm cho khách hàng.
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Phòng Phát triển hàng nhãn riêng Saigon Co.op, cho biết mùa Tết này, hàng nhãn riêng Co.op tập trung vào nhóm hàng thiết yếu có chất lượng tốt, giá tốt và nhóm hàng khác biệt, mới mẻ, hướng đến sức khỏe người tiêu dùng. “Ngành hàng nhãn riêng Co.op dịp Tết năm 2024 có thể tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2023”, ông Hoàng Anh nói.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp, các kênh phân phối đang có nhiều đảo lộn với sự vượt lên mạnh mẽ của phương thức livestream bán hàng. Càng vào cao điểm Tết, các doanh nghiệp càng linh hoạt cách thức thu hút khách hàng. “Để có thể thích ứng, giữ vững thị phần và thị trường, doanh nghiệp phải giữ chất lượng ổn định, rất linh hoạt trong cạnh tranh về giá bán. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp phải xác định phân khúc khách hàng mục tiêu và có phương thức tiếp cận, kinh doanh hiệu quả”, bà Kim Hạnh nói.
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu