Sản phẩm thương hiệu Dr NADA quảng cáo ‘điều trị nám, tàn nhang’ là sai sự thật

Bùng nổ quảng cáo, người tiêu dùng thận trọng

Nám da, tàn nhang là bệnh lý lành tính, tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại là nỗi ám ảnh của phái đẹp. Khi bị nám da, người bệnh sẽ cảm thấy tư ti nên thường tìm đủ phương pháp điều trị. Do đó, nhiều cơ sở kinh doanh đã cho ra mắt các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng quảng cáo điều trị nám, tàn nhang…

Để kiểm soát việc quảng cáo, Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định hàng loạt dấu hiệu vi phạm như: Sử dụng các hình ảnh, từ, cụm từ dễ gây hiểu lầm; sử dụng danh nghĩa, địa vị, uy tín, thư cảm ơn của tổ chức, cá nhân để quảng cáo; sử dụng hình ảnh, tên, biểu tượng của cán bộ y tế… Tuy nhiên, vi phạm chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính nên chưa đủ răn đe. Do đó, vẫn còn nhiều cá nhân, tổ chức phân phối sản phẩm mỹ phẩm vì lợi nhuận mà bỏ qua quy định pháp luật.

Thời gian qua, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh của độc giả về bộ sản phẩm mang thương hiệu Dr NARA gồm: kem bôi Dr NARA, serum Dr NARA, TPBVSK DARA có dấu hiệu quảng cáo trái quy định pháp luật khi giới thiệu công dụng như thuốc điều trị nám, tàn nhang…

Bộ sản phẩm kem bôi, serum NARA và TPBVSK DARA quảng cáo trái quy định.

Cụ thể, tại website https://www.drnarachinhhang.com/, giới thiệu phác đồ đặc trị nám thương hiệu Dr NARA top 1 châu Á cùng khẳng định 100% cải thiện sau 14 ngày, 98% sạch nám, 100% không kích ứng…

Để đạt được khẳng định (không căn cứ) nêu trên, tổ chức kinh doanh giới thiệu 2 liệu trình: Liệu trình cơ bản gồm serum và kem bôi Dr NARA, liệu trình nâng cao gồm serum, kem bôi Dr NARA và viên uống DARA. Theo quảng cáo, liệu trình cơ bản có công dụng đào thải độc tố dưới da, chống lão hóa, chống oxy hóa, đánh bay thâm, nám, tàn nhang… Liệu trình nâng cao cũng được tâng bốc như “thần dược” với loạt công dụng loại bỏ tận gốc nám, đốm nâu, đồi mồi và chống tái lại…

Cũng tại website nêu trên, tổ chức kinh doanh đăng tải hình ảnh giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm nhưng lại “vống” là “Giấy phép của Bộ Y tế công nhận trị nám an toàn”.

Tổ chức kinh doanh quảng cáo sai nội dung giấy phép của cơ quan chức năng.

Để nâng cao uy tín của bộ sản phẩm trên, tổ chức kinh doanh còn sử dụng hình ảnh các bác sĩ để quảng cáo trái quy định như: BS. Nguyễn Thành – nguyên Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Da liễu Trung ương, BS. Trần Thị Thanh Nho, BS. Trịnh Ngọc Thịnh…

Theo quảng cáo nêu trên, người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn các sản phẩm thương hiệu Dr NADA là thuốc điều trị bệnh về da. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, sản phẩm serum và kem bôi Dr NARA là mỹ phẩm có công dụng dưỡng da và hỗ trợ, TPBVSK DARA được Cục ATTP cấp giấy xác nhận quảng cáo số: 2016/2023/XNQC-ATTP chỉ có công dụng hỗ trợ giúp hạn chế lão hóa da, hỗ trợ giúp cải thiện độ ẩm… chứ không điều trị, xóa nám, tàn nhang và ngăn tái phát lại như những quảng cáo nêu trên. Do đó, người tiêu dùng thận trọng, tìm hiểu kỹ khi mua sản phẩm sử dụng.

Tổ chức kinh doanh sử dụng hình ảnh bác sĩ quảng cáo trái quy định.

Cần xử lý nghiêm quảng cáo gian dối

Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm thì những từ dùng cho quảng cáo như: Săn chắc cơ thể; Trị mụn, điều trị, chữa khỏi, làm lành mụn; Giảm/ kiểm soát sự sưng tấy phù nề; Loại bỏ/ giảm mỡ/ giảm béo; Diệt nấm; Diệt virus; Kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm. Trước tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng nói trên, ngày 31/3, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), về chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, căn cứ theo Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo: Hành vi không ghi hoặc không nêu rõ nội dung “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trên quảng cáo sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng; Hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, được sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn đến 24 tháng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo; hoặc Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ, công dụng, xuất xứ,… có thể bị phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định này. Việc quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về “Tội quảng cáo gian dối” theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt cao nhất tối đa đến 03 năm tù giam.

NPV

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích