Sản phẩm mới về đêm trên cây cầu lâu đời nhất bắt qua trên sông Hàn
Thông tin từ UBND thành phố Đà Nẵng, ngày 10/12, Ủy ban có công văn thống nhất phương án thí điểm tổ chức dịch vụ, phục vụ du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ Đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi theo đề xuất của Sở Du lịch thành phố.
Theo phương án, trong giai đoạn 1 (năm 2024), tại khu vực này sẽ trang trí điện chiếu sáng tạo điểm check-in; triển lãm tranh ảnh và trưng bày sản phẩm/tác phẩm chuyên ngành định kỳ hàng quý và vào các ngày lễ, Tết; tổ chức sân khấu biểu diễn âm nhạc dân tộc, âm nhạc trữ tình; vũ hội đường phố trên đường Trần Hưng Đạo và đường Chương Dương.
Các sự kiện đồng diễn flashmob, lễ hội yoga, nghệ thuật đường phố trên cầu Nguyễn Văn Trỗi, ngày hội sách, lễ hội bia… tại khu vực công viên.
Cùng đó, tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng như: thể dục thể thao, tập dưỡng sinh, chạy bộ, hội thi đánh cờ, thi vẽ tranh…; tổ chức đi bộ tham quan, ngắm cảnh và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, âm nhạc đường phố, sự kiện, lễ hội… trên cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Tổ chức các trò chơi thiếu nhi; dịch vụ thức ăn nhanh, nước giải khát mang đi và sản phẩm lưu niệm.
Ở giai đoạn 2, từ quý I/2025 đến cuối năm 2028, tiếp tục triển khai các hoạt động của giai đoạn 1 và cải tạo, nâng cấp và khai thác hoạt động du lịch trên cầu và công viên bờ Đông cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Tổ chức biểu diễn nghệ thuật đường phố như vẽ tranh chân dung, ảo thuật, tạo hình bong bóng, thể dục nhịp điệu, âm nhạc đường phố…; tổ chức gian hàng kinh doanh, bán đồ lưu niệm, sản phẩm OCOP, xe/quầy di động phục vụ giải khát và thức ăn nhanh.
Tổ chức các sự kiện, lễ hội đặc sắc định kỳ các ngày cuối tuần, các dịp lễ, Tết tại sân phía Bắc hoặc sân phía Nam công viên bờ Đông cầu Nguyễn Văn Trỗi, trên cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Đà Nẵng được mệnh danh là “thành phố của những cây cầu”. Chỉ tính riêng khu vực sông Hàn thôi đã có tới 06 cây cầu với độ dài và nét kiến trúc khác nhau. Đó là cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn và không thể không nhắc đến cầu Nguyên Văn Trỗi.
Các cây cầu được xây dựng không chỉ phục vụ nhu cầu lưu thông, đi lại của người dân. Mà đã trở thành những biểu tượng, hình ảnh đặc trưng cho thành phố đáng sống.
Các cây cầu Bắc qua sông Hàn không chỉ là niềm tự hào của thành phố này. Giờ đây đã được xem như là những điểm tham quan, check-in nổi tiếng mà hầu như du khách nào tới đây đều ghé qua.
Mặc dù, cầu Nguyễn Văn Trỗi Đà Nẵng bây giờ không còn cho xe cộ qua lại. Nhưng lại trở thành cây cầu đi bộ duy nhất của thành phố này. Mang nhiều câu chuyện lịch sử trong quá khứ, cộng với nét kiến trúc nổi bật, ấn tượng. Nơi này đã ngày càng thu hút nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn, được xây dựng những năm 1960. Cây cầu gồm 14 nhịp giàn thép, tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m. Cầu Nguyễn Văn Trỗi là một trong những cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam.
Theo Thương hiệu Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu