Sản phẩm Halal – Tiếp cận từ khía cạnh tiêu chuẩn hóa

Halal và thị trường thực phẩm Halal

Luật và giáo lý Islam (Hồi giáo) quy định rằng tín đồ Hồi giáo chỉ có thể ăn các loại thực phẩm là Halal (tiếng Ả-Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc “được phép”). Họ không được phép sử dụng các loại thịt không được giết mổ theo Luật Hồi giáo, thịt từ động vật chưa được rút hết máu, động vật ăn thịt, chim săn mồi, động vật lưỡng cư…

Những sản phẩm được coi là Halal đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ ăn uống Hồi giáo.

Hiện nay, số lượng người theo đạo Hồi là hơn 2 tỷ, chiếm khoảng 28% dân số thế giới. Người theo đạo Hồi cũng tập trung ở Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi. Năm 2018, trung bình mỗi thị trường thực phẩm Halal tại Đông Nam Á và Nam Á đạt xấp xỉ 230 tỷ USD.

Tại châu Âu và châu Mỹ, thị trường này cũng có xu hướng tăng cao trong vài năm trở lại đây. Theo đánh giá của Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) và Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu, chi tiêu cho thực phẩm Halal đang tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức 1.130 tỷ USD (2018) lên 1.170 tỷ USD (2019) và tiếp tục tăng lên 1.400 tỷ USD (2020). Dự kiến con số này sẽ đạt mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và đến năm 2050 có thể tăng lên đến 15.000 tỷ USD.

Nhu cầu sử dụng sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người theo Hồi giáo mà còn vì nhiều người không theo đạo Hồi nhưng vẫn ưa thích thực phẩm Halal, do chúng đáp ứng các tiêu chí về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm Halal còn mở rộng không chỉ đối với thực phẩm mà cả dược phẩm, mỹ phẩm và nhiều mặt hàng khác.

Tiêu chuẩn hóa giúp tiếp cận thị trường Halal toàn cầu

Người Hồi giáo chiếm tỷ lệ đa số ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Brunei, Pakistan, Ả-rập Xê-út, Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và các nước Trung Đông khác, tuy nhiên chỉ có một số ít quốc gia sản xuất các sản phẩm Halal. Do đó, tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm này còn rất lớn.

Với lợi thế là nước xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong 10 năm qua, Việt Nam có nhiều tiềm năng để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu. Gần đây, các doanh nghiệp của Việt Nam đã nỗ lực tiếp cận thị trường thực phẩm Halal và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Halal Trung Đông – châu Phi năm 2020 ước đạt hơn 2 tỷ USD với các mặt hàng chủ yếu là nông, thủy sản thô và sơ chế. Các thị trường Halal nhập khẩu nông, thủy sản của Việt Nam chủ yếu là Malaysia, Ả-rập Xê-út, UAE, Ai Cập, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Ghana, Bờ Biển Ngà, Pakistan… Tuy nhiên, theo đánh giá, với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam thì các kết quả đạt này vẫn còn khá khiêm tốn.

Để tiếp cận thị trường các nước Hồi giáo, sản phẩm phải được cấp giấy chứng nhận Halal. Tính đến năm 2021, đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn và trên 750 doanh nghiệp vừa và nhỏ (tập trung nhiều ở miền Nam) đã được cấp giấy chứng nhận Halal. Các sản phẩm Halal chủ yếu của Việt Nam là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Tuy nhiên, trong số các tổ chức chứng nhận sản phẩm Halal, chỉ có một phần nhỏ được sự ủy quyền của các tổ chức có thẩm quyền từ các nước Hồi giáo.

Hiện nay, các nước Hồi giáo đều có các tiêu chuẩn riêng đối với sản phẩm Halal nói chung, thực phẩm Halal nói riêng, chưa có sự hài hòa, chấp nhận lẫn nhau giữa các tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn Halal được sử dụng phổ biến hiện nay là: OIC/SMIIC của Viện Tiêu chuẩn Đo lường các nước Hồi giáo thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), GSO của Tổ chức tiêu chuẩn hóa các nước Ả-rập vùng Vịnh, MS của Malaysia…

Xây dựng tiêu chuẩn Halal của Việt Nam

Năm 2019-2020, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã phối hợp với các Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) xây dựng và trình Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố TCVN 12944:2020: Thực phẩm Halal – Yêu cầu chungNội dung TCVN 12944:2020 có tham khảo các tiêu chuẩn Halal của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm Codex, tiêu chuẩn ASEAN, tiêu chuẩn Malaysia (MS 1500:2019)…

TCVN 12944:2020 đưa ra định nghĩa đối với một số thuật ngữ liên quan đến Halal và các yêu cầu đối với nguồn thực phẩm này (quá trình sơ chế, chế biến, bao gói, ghi nhãn, vận chuyển và bảo quản cũng như an toàn thực phẩm). TCVN 12944:2020 là tài liệu để các tổ chức, cá nhân tham khảo trong việc thực hành sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm Halal và là nền tảng cho việc tiếp cận các tiêu chuẩn hiện hành trên thế giới cũng như cơ sở cho việc chứng nhận sản phẩm.

Trong thời gian tới, các Ban kỹ thuật TCVN (đơn vị biên soạn tiêu chuẩn quốc gia của Bộ KH&CN) sẽ tiếp tục xây dựng một số tiêu chuẩn cụ thể hóa các nội dung trong TCVN 12944:2020, tạo thuận lợi cho việc thực hành trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, giết mổ động vật… nhằm đảm bảo nguyên liệu thu được là Halal, phục vụ cho chế biến thực phẩm Halal.

Mặt khác, hiện nay có nhiều cách thức giám sát việc thực hiện các điều luật Hồi giáo đối với thực phẩm Halal, trong đó có giải pháp kiểm nghiệm, phân tích mẫu thực phẩm để đảm bảo thực phẩm không chứa các nguyên liệu động vật không được phép sử dụng, không khuyến khích sử dụng.

Do đó, các Ban kỹ thuật TCVN cũng đề xuất xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp phát hiện nguyên liệu động vật trong thực phẩm bằng kỹ thuật sinh học phân tử để phát hiện thịt lợn, ngựa, các loài bò sát, lưỡng cư… Các tiêu chuẩn này cũng nhằm thực hiện Quyết định số 1695/QĐ-BKHCN ngày 20/6/2018 của Bộ KH&CN về việc ban hành Kế hoạch hành động triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Việc tiêu chuẩn hóa các đối tượng liên quan đến sản phẩm Halal là một trong các biện pháp quan trọng của Bộ KH&CN, cùng với các bộ, ngành nhằm đưa sản phẩm Halal của Việt Nam tiếp cận tốt hơn với thị trường Halal toàn cầu, góp phần tăng giá trị của chuỗi nông sản Việt Nam.

Ngô Thị Ngọc Hà – Lê Thành Hưng (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích