Săn lùng bất động sản “ngộp“, bán cắt lỗ mùa dịch
Đang có số vốn nhàn rỗi 3 tỷ đồng, chị Nguyễn Thu Hương (Hà Nội) đang muốn bỏ tiền đầu tư vào bất động sản thời điểm này để có một tài sản có thể kinh doanh sau dịch hoặc đầu tư lâu dài khi giá tăng sẽ bán sang tay.
Quan sát trên thị trường bất động sản hiện nay, chị Hương thấy có những mảnh đất rao bán gấp vì đang cần tiền đáo hạn ngân hàng hay có chủ homestay không còn đủ tài chính để duy trì chờ hết dịch nên cũng cần bán “cắt lỗ” sâu.
Từng kinh doanh nhà trọ cũng có chút kinh nghiệm nên nếu mua được homestay ưng ý có giá ‘cắt lỗ’ tốt, chị Hương tính sẽ để kinh doanh khai thác đón khách khi hết dịch. Tuy nhiên, điều chị Hương băn khoăn là làm thế nào để biết bất động sản đó có “cắt lỗ” thật hay không, làm sao để biết rằng mảnh đất đó, hay căn homestay rao bán đó đang có mức giá tốt?
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho hay, trên thị trường ai cũng muốn mua bất động sản cắt lỗ. Theo ông quan sát trên thị trường hiện nay, các nhà đầu tư “cá mập”, các nhà đầu tư cá nhân lớn thường sẵn sàng mua bất động sản cắt lỗ từ 15 – 20%.
Thế nhưng, hiện tại các nhà đầu tư này cũng không mua được bao nhiêu, bởi thực tế, ít ai cắt lỗ, hoặc có thì chỉ cắt lỗ ở mức 5 – 10% chứ “cắt lỗ” nhiều hơn thì chưa thấy.
Song, ông Quang cho rằng muốn biết một bất động sản cắt lỗ thực thì không có cách nào có thể biết được mà chúng ta phải liên tục quan sát thị trường.
Ông dẫn ví dụ, có người rao bán sản phẩm bất động sản giá 1 tỷ đồng và nói rằng mức giá này là ‘cắt lỗ’ rồi, bởi trước đây giá phải là 1,1 tỷ đồng. Vậy mức giá 1 tỷ đồng có phải là đã ‘cắt lỗ’ hay không? bởi chúng ta cứ nghĩ rằng mức giá này là cắt lỗ rồi nhưng thực ra thì không phải vậy, thực chất mức giá 1 tỷ đồng là mục tiêu của người bán đã đưa ra.
Do đó, theo ông Quang, cần phải quan sát thị trường liên tục, tìm các thông tin rao bán đất ở quanh khu vực đó bán giá bao nhiêu thì mới biết sản phẩm mình muốn mua có thật sự “cắt lỗ” hay không.
Ngoài việc đó, cần phải nói chuyện trực tiếp với chủ của bất động sản đó để biết họ cắt lỗ với lý do gì, có lý do họ mới cắt lỗ chứ không là mình sẽ bị đánh “úp sọt”. Tức là rao bán một tỷ đồng nhưng đến nơi người bán có thể đồng ý bán với giá 900 triệu đồng. Thành ra, nếu không tìm hiểu kỹ thì sẽ mua sản phẩm ‘cắt lỗ’ nhưng thực tế là đã bị mua hớ.
Theo ông Quang, thị trường bất động sản hiện nay cũng có khoảng 10 – 20% nhà đầu tư muốn cắt lỗ, nhưng người ta không rao bán “cắt lỗ” mà chỉ rao bán bình thường hoặc rao bán kèm thêm từ “bán gấp”… nếu để ý sẽ nhận ra. Lúc này có thể thương lượng trực tiếp đề nghị giảm giá.
Ông Quang lưu ý, sau một hồi thương lượng căng thẳng chủ bất động sản mới giảm giá thì mua; còn nếu vừa thương lượng mà họ giảm giá ngay thì đừng vội mua bởi không ai giảm giá bất động sản quá nhanh như vậy.
Còn ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam lưu ý các nhà đầu tư đi “gom” bất động sản “cắt lỗ” thời điểm này cần chú ý khi trên thị trường vẫn có những sản phẩm bất động sản chưa hoàn thiện pháp lý, chưa được bán nhưng vẫn rao bán với mức giá thấp hơn giá bình thường./.