Sân golf và an ninh nguồn nước

Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành: Ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước? - Ảnh 2
Phát triển hệ thống sân golf hài hòa với chiến lược kinh tế xanh (Ảnh minh họa).

Biến đổi khí hậu, El nino mà cách đây khoảng 10 năm các nhà hoạch định chính sách, giới khoa học trên thế giới từng đưa ra lời cảnh báo về cái gọi là “chiến tranh nguồn nước”. Còn ở nước ta, chưa khi nào các hồ thủy điện ở các tỉnh phía Bắc lại rơi vào tình trạng mực nước thấp như hiện tại, có những hồ khô trơ cả đáy. Ngoại trừ các yếu tố liên quan đến dòng chảy, nguyên nhân chính vẫn là nắng nóng diễn ra bất bình thường dẫn đến nguồn nước cạn kiệt. Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, do hệ lụy của việc phá rừng đầu nguồn, khai thác tài nguyên quá mức khiến lưu lượng nước từ hệ thống sông ngòi ngày một giảm. Bởi thế, nguồn nước ngầm được xem là tài sản quốc gia quý giá cần phải được bảo vệ đặc biệt và sử dụng “đặc biệt” tiết kiệm.

Chiến lược là thế, song hiện nay nguồn nước ngầm dường như vẫn được sử dụng chưa hợp lý. Nhớ hôm ngồi với một bác làm nghề kinh doanh ở Ninh Bình, bác trăn trở, một đất nước thu nhập chưa cao, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức mà không hiểu sao hệ thống sân golf mọc lên nhiều thế. Hiện tại cả nước có 48 sân golf đi vào hoạt động, nhưng các địa phương vẫn đua nhau phát triển loại hình thể thao này.

Đơn cử, Thanh Hóa cũng vừa quy hoạch 13 sân golf. Bác nhấn mạnh, kinh tế đi lên, hội nhập quốc tế phát triển sân golf là đúng, nhưng phát triển đến giới hạn nào mới là quan trọng và hơn nữa có nhất thiết địa phương nào cũng phải phát triển sân golf không? Là người mê đọc, bác cho biết, trung bình mỗi sân gofl 18 lỗ tiêu tốn một diện tích lên tới khoảng 200 ha đất và tiêu thụ 150.000 m3 nước sạch/ngày, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 20.000 hộ gia đình.

Đấy là chưa kể lượng thuốc chăm sóc sân để mặt cỏ tươi tốt, cũng ảnh hưởng rất lớn đến mạch nước ngầm. Nếu giả sử tới đây, địa phương nào cũng có sân golf, thậm chí có địa phương số sân golf lên tới con số 4-5, thậm chí cả chục sân, thì nguồn nước ngầm phục vụ cho các sân này lớn đến mức nào? Khi đó an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiệt độ ngày càng có xu hướng nóng lên sẽ ra sao?

So sánh lợi ích kinh tế từ sân gofl mang lại với việc mất đi hàng triệu m3 nước ngầm, cái nào thiệt hại hơn? Bác còn hiến kế: Các cơ quan chức năng xem ở nước ngoài, ở các dự án sân golf, ngoài xây hệ thống nhà phục vụ dịch vụ chơi golf họ có “kèm theo” xây biệt thự sân golf không? Còn ở nước ta, nhiều dự án sân golf, đất còn được giữ lại để kinh doanh bất động sản, nhà nghỉ, biệt thự, nhà hàng… Từ đó hạn chế xây dựng sân golf là hợp lý.

Từ câu chuyện của bác ở Ninh Bình, đặt ra vấn đề, dẫu đất nước ngày càng phát triển, nhưng thực tế nước ta vẫn ở ngưỡng thu nhập trung bình. Do đó, để phát triển nhanh, bền vững cần phải chắt chiu từng đồng vốn, để huy động nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực có tính đòn bẩy như giao thông, nông nghiệp, sản xuất, an sinh thay vì đầu tư quá nhiều vào sân golf, đồng thời phải tiết kiệm quỹ đất, nguồn nước ngầm cho thế hệ tương lai trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Tuệ Giang

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích