Sàn giao dịch công nghệ hoạt động theo mô hình nào mới hiệu quả?

Tại hội nghị lấy ý kiến nhà khoa học về mô hình sàn giao dịch công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho rằng, mô hình sàn giao dịch công nghệ cần sự tham gia từ cộng đồng. Nhà nước chỉ có vai trò kiến tạo hệ sinh thái thu hút sự tham gia của các bên bằng các chính sách thúc đẩy hoạt động giao dịch công nghệ.

Theo ông Dũng, mô hình mới cần dựa vào những nền tảng của sàn giao dịch công nghệ hiện hữu, nhưng có sự mở rộng dựa trên nhu cầu thị trường. Việc thiết kế mô hình cần những người đứng đầu tâm huyết lĩnh vực này và có sự tham gia của nhân sự từ bên ngoài để xây dựng cơ chế vận hành, hoạch định chiến lược tương lai cho sàn giao dịch.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng nêu quan điểm, mô hình sàn giao dịch công nghệ cần phân định rõ vai trò của nhà nước và thị trường là làm những việc gì, làm tới đâu. Hiện, có nhiều dịch vụ khoa học công nghệ tư nhân không làm vì không có lợi nhuận. Tuy nhiên, ở vai trò nhà nước cần phải thực hiện với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Mô hình sàn cần dựa vào khuôn khổ pháp lý, chính sách hiện hành của nhà nước.

Ảnh minh hoạ

Liên quan tới vấn đề trên, theo PGS. TS Phạm Ngọc Tuấn, chuyên gia kỹ thuật cơ khí, mô hình sàn giao dịch công nghệ cần được coi là hoạt động dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp và xã hội từ hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ. Mô hình sàn giao dịch này cần hoạt động như một doanh nghiệp mới có thể tồn tại bền vững.

Bên cạnh đó, mô hình hoạt động của sàn giao dịch công nghệ phải đặt mục tiêu tạo ra doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động chuyển giao và đánh giá hiệu quả bằng các chỉ số năng suất như số lượng công nghệ được đóng gói hàng năm, số công nghệ được cấp quyền sở hữu trí tuệ.

Nêu đề xuất về 5 bước hoạt động của sàn giao dịch công nghệ, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết, đầu tiên là việc tạo nguồn cung công nghệ từ các nhà khoa học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Ở bước thứ hai là các sàn giao dịch phải đóng gói công nghệ có khả năng chuyển giao. Đồng thời, sàn cần xác định được khả năng cạnh tranh của công nghệ bằng cách đánh giá sự khác biệt, tính mới của công nghệ đó, cũng như khả năng thương mại hóa.

Bước thứ ba là xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các công nghệ mua bán. Khi nhiều công nghệ được xác lập quyền sở hữu trí tuệ bằng các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, giá trị của sàn giao dịch đó càng lớn. Việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra các chỉ số năng suất bằng việc hình thành tài sản vô hình có giá trị gia tăng gấp nhiều lần. Ở công đoạn thứ tư, sàn giao dịch công nghệ phải có khả năng chào bán, đàm phán, thuyết phục tiến tới thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ. Công đoạn cuối cùng là cấp bản quyền li – xăng (chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp).

Bảo Bình

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích