Săn đất cắt lỗ sau dịch bệnh, sẵn tiền dư âm thầm mua gom lô nhỏ
Hơn một tháng trước, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bản thân cũng đang tạm ngừng vịệc ở nhà nhưng anh Nguyễn Văn Nam, 42 tuổi ở Kiến Hưng, Hà Đông (Hà Nội) vẫn tranh thủ lên các group mua bán nhà đất để tìm mua thêm nhà.
Người đàn ông này cho biết, anh đã kết hôn 15 năm nay. Sau nhiều năm kinh doanh hàng gia dụng, vợ chồng anh mua được một căn nhà 40m2 ở phường Kiến Hưng từ 7 năm trước để ổn định cuộc sống. Do cố gắng tiết kiệm, hai vợ chồng để ra được 2,3 tỷ. Do đó, hai người đã nghĩ tới chuyện mua nhà để đầu tư từ mấy tháng trước. Song, do dịch bệnh nên anh còn nghe ngóng thị trường, chưa quyết định.
“Từ đầu năm, vợ chồng tôi đã có ý định mua nhà, nhưng lúc đó, thấy khu vực Hà Đông mình ở giá tăng quá cao bất chấp dịch bệnh. Thậm chí quan sát, có nhiều nơi bị đẩy giá sốt ảo. Vì thế, tôi quyết định không xuống tiền thời điểm đó và chờ thời cơ khác”, anh kể.
Hơn một tháng trước, thấy nhà đất khắp nơi đồng loạt giảm giá, anh Nam mới quyết định mua vào. Sau hai tháng tìm kiếm, anh chị mua được căn nhà cũ 35m2 với giá 2,3 tỷ đồng ở Mậu Lương, Hà Đông.
Người đàn ông này cho biết, qua khảo sát kỹ anh nhận thấy giá nhà đất chia lô diện tích nhỏ trong dân cư ở nhiều khu vực ở Hà Đông có xu hướng giảm nhẹ Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, một số nhà đầu tư kẹt tiền do vay vốn ngân hàng, hoặc một số nhà đất bị đẩy giá lên quá cao trước khi có dịch thì nay đã hạ giá. Chính bởi thế, anh nghĩ đây là cơ hội lớn để anh xuống tiền mua nhà nhanh.
“Tôi đã quan sát thị trường từ 6 – 7 tháng nay, thấy giá bất động sản nhiều khu vực ở Hà Đông có xu hướng giảm giá nhẹ, với tôi chính là thời điểm thích hợp xuống tiền. Bởi nếu nhà đất khó khăn thì các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, đầu tư vào các quỹ cũng không mấy khả quan. Nhiều nhà đầu tư còn âm thầm thu gom bất động sản giá rẻ thì tại sao lại không tranh thủ mua vào để được vị trí đẹp, giá giảm như hiện nay”, anh phân tích.
Anh Nam cũng khoe, vợ chồng anh đã ký giao dịch mua nhà xong xuôi. Dù vẫn đang đợi thủ tục làm sổ đỏ do các văn phòng công chứng chưa làm việc, nhưng anh không hề sốt ruột.
“Vợ chồng tôi cứ mua để đó cho thuê hoặc mấy năm nữa giá nhà đất tăng, thấy có lời thì bán. Căn nhà này lúc bình thường giá phải tầm 2,6 tỷ, nay giảm chỉ còn 2,3 tỷ, lại ở gần nhà và ở vị trí cũng khá ưng ý”.
Chia sẻ về quyết định liều lĩnh lao vào mua nhà đất khi thị trường đứng im, nhà đầu tư thì thận trọng, dè dặt tìm kiếm sản phẩm phù hợp mới xuống tiền, anh Nam cho rằng: “Nếu có sẵn tiền, không phải vay mượn ngân hàng quá nhiều thì tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để săn được bất động sản giá dễ chịu nhất sau thời gian nhiều đợt sốt cục bộ. Chịu khó lội ngược dòng trong giai đoạn này sẽ tìm được sản phẩm tiềm năng và giá mềm”.
Anh Đặng Hải Anh, một môi giới bất động sản khu vực Hà Đông, cho biết, bất động sản tại khu vực này có xu hướng giảm giá nhẹ. Hàng ngày, anh vẫn vào các trang mạng xã hội, diễn đàn nhưng rất khó tiếp cận được khách mua, lượng giao dịch gần như không có.
“Ngoài tháng Bảy cô hồn nhiều người kiêng mua bán nhà, còn có nguyên nhân do dịch bệnh không thể giao dịch trực tiếp với chủ nhà và khách mua khi Hà Nội đang giãn cách. Hơn nữa, tại Hà Đông, phần lớn bất động sản cần bán đều đã sang tay cho các nhà đầu tư. Ảnh hưởng bởi dịch, thị trường dần đóng băng và đi xuống. Nhiều chủ đầu tư phải lo khoản tiền trả ngân hàng.
Ngoài ra, thu nhập giảm và dịch bệnh chưa biết bao giờ mới kết thúc nên nhiều người buộc giảm giá nhà đất, chấp nhận bán đúng giá mua vào, mức lời ít hoặc không có lời để thu vốn về nhanh nhất nhằm giảm bớt áp lực khoản vay, có thêm tiền đề phòng khi bất trắc”, anh Hải Anh lý giải.
Tuy nhiên, nếu như nhiều nhà đầu tư bán cắt lỗ thì nhiều người sẵn tiền mặt trong tay lại tranh thủ thời cơ này để mua vào, khi nhà đất có mức giá vừa tầm. Không phải vay 60 – 70% vốn ngân hàng nên họ không lo ngại chuyện bị “vỡ trận”.
Môi giới bất động sản này cũng phân tích, bất động sản vẫn có thứ tự ưu tiên số một trong danh mục đầu tư của nhiều người. Vì thế, việc giảm giá trên diện rộng trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Thậm chí, nếu dịch được kiểm soát tốt vài tháng tới, lệnh giãn cách được gỡ bỏ thì thị trường sẽ ấm lên và có giao dịch trở lại. Đặc biệt, nếu biết cân đối và có sẵn tài chính để gồng gánh được 3 – 6 tháng, đợi dịch bệnh qua đi thì khoản đầu tư đó vẫn tốt.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, mới đây cho rằng, bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt nhất, dù đã và đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Thực tế, giá bất động sản vẫn tăng và tổng tiền vào thị trường này vẫn có xu hướng tăng lên.
Ông nhìn nhận, đó là bởi một lượng lớn tiền rút từ các kênh tiết kiệm, ngân hàng, kiều hối đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản để giảm nguy cơ lạm phát. Bên cạnh đó, nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam bị thu hẹp hoạt động vì dịch bệnh nên cũng chuyển vốn vào thị trường bất động sản để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Ngoài ra, nhiều người dân, nhà đầu tư có sẵn dòng tiền cũng đang lội ngược dòng tìm kiếm bất động sản giá rẻ.