Sầm Sơn (Thanh Hóa): Triển khai nhiều phương án ứng phó bão số 3
(Xây dựng) – Chủ động đối phó với bão số 3, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã triển khai các biện pháp và phương án ứng phó để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác đã đi kiểm tra ứng phó với bão số 3 (bão Yagi) tại thành phố Sầm Sơn. |
Căn cứ Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 05/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024, Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn đã ra nhiều thông báo, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, Thủ trưởng các ngành: Biên phòng, Quân sự, Công an, Chủ tịch UBND các xã, phường và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực tốt các nội dung ứng phó bão.
Trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Nhà khách điện lực miền Bắc (đóng tại phường Bắc Sơn) cho hay, ngành Điện đã khuyến cáo khách hàng sử dụng điện và nhân dân, không được sử dụng dây, cọc để chằng néo nhà, công trình, thuyền bè vào cột điện và trạm điện hoặc có hành vi vi phạm khoảng cách với đường dây điện gây mất an toàn cho người và gia súc, gây sự cố lưới điện; không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè… trong vùng ngập, lụt có đường dây điện sát với mặt nước không đảm bảo khoảng cách an toàn để tránh bị phóng điện gây tai nạn.
Khi có mưa bão, giông sét hạn chế ra đường nhằm tránh các sự cố bất ngờ xảy ra như: Sét đánh, dây điện đứt, cột điện đổ, sứ vỡ, cây đổ, rò điện… Đặc biệt không được chạm vào cột điện, dây chằng cột điện, dây nối đất cột điện, không đứng dưới cột điện… để phòng điện giật do rò điện.
Ngư dân phường Bắc Sơn, thành phố Sầm Sơn gấp rút triển khai công tác phòng chống bão số 3. |
Trao đổi (qua điện thoại) với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn cho biết: “Thành phố đã triển khai tổ chức cấm biển trên địa bàn từ 12h ngày 06/9/2024 cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão, yêu cầu giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không cho các tàu, thuyền ra khơi trong thời gian cấm biển. Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và Trưởng ban Chỉ huy thành phố nếu chủ quan, lơ là trong việc tổ chức cấm biển, dẫn tới thiệt hại về người và tài sản.
Đồng thời, hướng dẫn, sắp xếp tàu, thuyền tại nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn theo đúng quy định. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố để kịp thời tổng hợp, báo cáo theo quy định”.
Thống kê từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 6.116 phương tiện/19.901 lao động thường xuyên khai thác trên biển. Đến 5h sáng 6/9, tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi được 5.398 phương tiện, 14.854 lao động vào nơi neo đậu tại các bến của tỉnh và các địa phương lân cận.
Hiện số phương tiện và lao động còn lại trên biển là 274 phương tiện và 1.296 lao động. Số phương tiện hoạt động trên đã nắm được thông tin về vùng nguy hiểm và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương 1-2 lần/ngày, đồng thời đang di chuyển vào các vị trí tránh, trú bão tại các tỉnh lân cận. Bắt đầu từ 12h ngày 6/9, tỉnh Thanh Hóa tổ chức cấm biển cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão.
Để tập trung phòng, tránh thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra, theo kế hoạch, ngày 6 và 7/9, tỉnh Thanh Hóa thành lập 8 Đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện các Sở, ngành, địa phương trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão, kêu gọi tàu thuyền, đảm bảo an toàn giao thông, công tác sẵn sàng di dân, kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở… tại các địa phương trong tỉnh.
Trong các ngày 8 và 9/9, các đoàn kiểm tra sẽ trực tiếp tại các khu vực bị tác động của bão số 3, tập trung kiểm tra công tác khắc phục sự cố (nếu có) đảm bảo an toàn cho các khu dân cư, các ngầm, tràn ngập sâu, các vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, hư hỏng trên các tuyến đường giao thông, các công trình trọng điểm…
Một khách sạn trên địa bàn thành phố Sầm Sơn đã triển khai tốt công tác phòng chống bão. |
Sáng 6/9, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 (bão Yagi) tại huyện Hoằng Hóa và thành phố Sầm Sơn. Qua kiểm tra thực tế tại âu neo đậu tàu thuyền thuộc phường Quảng Tiến và công tác vận hành Cống tiêu thuộc phường Quảng Châu (thành phố Sầm Sơn), Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ, tích cực, bài bản của thành phố Sầm Sơn trong việc chuẩn bị ứng phó với bão số 3.
Qua kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thành phố Sầm Sơn tiếp tục chủ động các phương án phòng, chống bão với phương châm “4 tại chỗ”; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng xử lý các tình huống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Khẩn trương rà soát lại các khu vực xung yếu, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thành phố Sầm Sơn là đô thị ven biển có tốc xây dựng cao, vì vậy trước diễn biến của siêu bão Yagi, thành phố cần phải có các biện pháp bảo vệ công trình công cộng; yêu cầu dừng tất cả các công trình đang thi công trên địa bàn. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố khi xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn.
Nguồn: Báo xây dựng