Sầm Sơn (Thanh Hóa): Lên phương án phòng chống dịch tại các điểm di tích, danh thắng xuân Nhâm Dần 2022
(Xây dựng) – Những ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022, du khách thập phương về du xuân, dâng hương và hành lễ tại các điểm di tích, danh thắng tại thành phố Sầm Sơn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, quy định 5K. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.
Tại Đền Độc Cước, lực lượng chức năng yêu cầu du khách thực hiện các nghĩa vụ phòng chống dịch. Tại cổng chính, bố trí cán bộ y tế có trang thiết bị đo thân nhiệt, khai báo y tế mới được cấp phát thẻ ra vào đền. |
Mặc dù tỉnh Thanh Hóa và ngành Du lịch có chủ trương không tổ chức lễ hội do dịch Covid-19, nhưng do nhu cầu tín ngưỡng và du xuân, ngay từ những ngày đầu xuân, đông đảo du khách thập phương đã tìm đến Đền Độc Cước để du ngoạn, thưởng thức cảnh sơn thủy hữu tình và thắp hương, cầu xin cho một năm, mưa thuận gió hòa…
Có mặt tại Đền Độc Cước vào những ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022 trong thời tiết giá rét, mặc dù người trảy hội không được đông đúc như mọi năm, nhưng phóng viên Báo điện tử Xây dựng vẫn ghi nhận cảnh nhiều người không quản cái giá lạnh của thời tiết, cùng nhau hành hương về chốn linh thiêng này với mong muốn có một năm mới Nhâm Dần dịch Covid-19 bị đẩy lùi, nhà nhà được sống trong bình an, hạnh phúc.
Đền Độc Cước – ngôi đền được xây dựng vào thời nhà Trần, tu bổ và tôn tạo vào thời nhà Lê, Nguyễn. Lần tu bổ gần đây nhất là năm 2006, đến năm 2008, ngôi đền tu bổ hoàn thành kịp thời phục vụ đời sống nhân sinh và du khách. Không gian Đền Độc Cước được chia làm 3 khu vực: Phía Nam bên tả là phủ thờ Mẫu, phía Bắc bên hữu là tháp nghinh phong và khu vực trung tâm từ tam quan vào chính là nơi thờ Thần Độc Cước. Ngôi đền được xây dựng theo một thể thống nhất nhà thấp, cột gỗ to, lớp ngói cũ kiến trúc hình chữ Đinh (dân gian gọi là kiến trúc Chuôi vồ). Địa thế ngôi đền ở nơi đầu sóng ngọn gió và trải qua bao phen giặc giã, chiến tranh, nhưng ngôi đền vẫn còn nguyên vẹn.
Trên đất nước ta, thần Độc Cước được thờ ở đền chùa suốt từ Quảng Ninh đến Nghệ An, Hà Tĩnh, nhất là trên hải đảo và các vùng ven biển ven sông, hoặc trên các trục đường quốc lộ giao thông chính ở Đồng bằng Bắc bộ. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng trên 300 điểm thờ, nhưng Đền Độc Cước ở Sầm Sơn chính là nơi xuất phát tín ngưỡng đầu tiên và cũng là điểm thờ Độc Cước đầu tiên trong cả nước. Vì vậy, Thần Độc Cước là vị thần thành hoàng đem sức mạnh và phép màu để bảo vệ cho nhân dân Sầm Sơn luôn được thuận buồm xuôi gió, quốc thái dân an.
Đảm bảo khoảng cách an toàn cho khách du lịch trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân 2022. |
Bà Cao Thị Thanh, một du khách đến từ phường Đông Tân, thành phố Thanh Hóa chia sẻ: Năm nay, dịch bệnh tạm được khống chế do người dân được tiêm mũi 2 và mũi 3 vắc xin phòng Covid-19, vậy nên gia đình tôi quyết định du xuân, đi chùa cầu may, mong cho một năm được bình an. Tại Đền Độc Cước, tôi thấy lực lượng kiểm soát rất tốt, yêu cầu du khách thực hiện các nghĩa vụ phòng, chống dịch, tại cổng chính bố trí cán bộ y tế có trang thiết bị đo thân nhiệt, làm các bước khai báo y tế, mới được cấp phát thẻ ra vào Đền. Trong đền được lắp đặt hệ thống loa truyền thanh, thường xuyên nhắc nhở các đoàn đến hành hương cố gắng dâng hương, trong khoảng thời gian từ -510 phút để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Trao đổi với bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin Thể thao và Du lịch thành phố Sầm Sơn cho biết: Căn cứ Quyết định số 499/QĐ-SVHTTDL của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Bộ tiêu chí tạm thời đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Thực hiện Công văn số 6607/UBND-VHTT, ngày 31/12/2021 của UBND thành phố Sầm Sơn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân 2022; Công văn số 292/UBND-VHTT, ngày 16/01/2022 của Chủ tịch UBND thành phố về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động lễ hội, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch và các phương án xử trí khi có trường hợp nhiễm Covid-19 tại các di tích, danh thắng trên núi Trường Lệ gồm: Đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành, hòn Trống Mái.
Nguồn: Báo xây dựng