Sai phạm trong khai thác khoáng sản, 2 doanh nghiệp buộc nộp phạt tổng số tiền 220 triệu đồng
Sai phạm trong khai thác khoáng sản, 2 doanh nghiệp buộc nộp phạt tổng số tiền 220 triệu đồng
Sáng 6/7, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với với 2 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn với tổng số tiền hơn 220 triệu đồng.
Cụ thể, Công ty CP Sản xuất & Kinh doanh Vật liệu xây dựng DQ (gọi tắt Công ty DQ, đóng tại thôn Hợp Thành, xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tấn Hoàng (gọi tắt Công ty Tấn Hoàng, đóng tại thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) do vi phạm trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản.
Qua kiểm tra, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện Công ty Tấn Hoàng có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực bãi bồi Đội 4, Tân Mỹ (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền). Công ty này không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản năm 2023 cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định xử phạt Công ty Tấn Hoàng số tiền 110 triệu đồng.
Công ty Tấn Hoàng còn chậm nộp tiền ký quỹ bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản năm 2024 với số tiền hơn 49,2 triệu đồng, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 42 Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Với vi phạm này, Công ty này bị xử phạt hơn 4,7 triệu đồng.
Cùng với doanh nghiệp trên là Công ty DQ có địa chỉ tại khu vực thôn Hợp Thành (xã A Ngo, huyện A Lưới) đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác khoáng sản đất sét làm nguyên liệu tuynel bằng phương pháp lộ thiên. Công ty này không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản năm 2023 cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Qua công tác kiểm tra vào giữa tháng 6/2024, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện Công ty DQ tại khu vực thôn Hợp Thành (xã A Ngo, huyện A Lưới). Căn cứ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định xử phạt Công ty DQ số tiền 110 triệu đồng.
Trước đó, Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc kiểm tra 28 mỏ khoáng sản, đã phát hiện nhiều vi phạm trong việc cấp phép và quản lý khai thác. Cụ thể, có 10 mỏ được cấp Giấy phép khai thác (GPKT) không qua đấu giá nhưng GPKT không giới hạn các công trình cung cấp vật liệu đất san lấp. Bên cạnh đó, 3 mỏ có thời hạn khai thác dài hơn thời hạn cho phép và 1 mỏ tại đồi Kiền Kiền cấp GPKT chưa đúng mẫu. Còn có 2 mỏ được gia hạn GPKT nhưng không đảm bảo thời gian theo quy định và 3 mỏ khác gia hạn GPKT nhưng chưa thực hiện thủ tục thuê đất và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Hơn nữa, 3 mỏ gia hạn GPKT nhưng trữ lượng khai thác không khớp với trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác.sản lượng khai thác lớn hơn so với giấy phép khai thác được cấp. Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế xử lý truy thu nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 4,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn phát hiện 4 mỏ không thống kê sản lượng khai thác thực tế và lập bản vẽ hiện trạng khai thác. Có 5 mỏ chưa nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và 6 mỏ không thực hiện thủ tục thuê đất. Đặc biệt, có 12 mỏ chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và lập phương án trồng rừng thay thế nhưng đã tiến hành khai thác. Thêm vào đó, 8 mỏ không tuân thủ các quy định khai thác như không bố trí trạm cân, không lắp đặt camera giám sát và không bố trí trạm vệ sinh xe.
Có 19 mỏ vi phạm trong việc kê khai thiếu sản lượng, kê khai sai thuế suất, đơn giá tính thuế tài nguyên và hệ số tính phí bảo vệ môi trường. Sản lượng khai thác thực tế tại các mỏ này lớn hơn so với giấy phép. Do đó, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thu hồi hơn 4,5 tỷ đồng từ 19 quyết định và nộp vào ngân sách Nhà nước.
Trước những vi phạm này, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên – Huế kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành liên quan và các chủ mỏ kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan. Đồng thời, Sở TN&MT được đề nghị tham mưu biện pháp thu hồi đất đối với 6 mỏ đã hết hạn khai thác nhưng không thực hiện thủ tục thuê đất.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị