Sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam: Mở rộng điều tra sang đăng kiểm phương tiện đường thủy
Theo đó, sau lĩnh vực đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM đã mở rộng điều tra sang lĩnh vực đăng kiểm phương tiện đường thủy. Vào ngày 9/2, Công an TP.HCM đã khám xét Chi cục đăng kiểm số 9 (số 102 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và Chi cục đăng kiểm số 6 (số 130 đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM). Đây là 2 Chi cục đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam phụ trách đăng kiểm các phương tiện giao thông đường thủy.
Đến ngày 16/2, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM khởi tố 14 đối tượng tại 2 Chi cục nói trên. Cụ thể Hoàng Văn Duy (Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 9), Lê Hải Hòa, Vũ Phương Huy, Nguyễn Văn Hiển (Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 9); Phạm Việt Dũng, Phạm Tiến Bình, Phạm Văn Dương, Nguyễn Văn Duẩn, Mai Ngọc Cường, Nguyễn Văn Đồng (Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6) bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”. Các bị can khác gồm: Thái Việt Anh, Bùi Long Khương, Phạm Mạnh Hùng, Dương Xuân Chế bị khởi tố về tội “Đưa hối lộ”.
Theo Thượng tá Trần Thị Kim Lý, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, do nhận hối lộ nên các bị can là nhân viên Chi cục đăng kiểm số 6 và số 9 đã cắt bớt quy trình đăng kiểm như không cho tàu lên đà, bỏ qua các lỗi vi phạm như không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy,…
“Việc điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân tại các Trung tâm đăng kiểm không ảnh hưởng tới hoạt động đăng kiểm bình thường. Cá nhân, tổ chức có nhu cầu đăng kiểm phương tiện vẫn tới các Trung tâm đăng kiểm để làm việc bình thường”, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nêu rõ.
Thượng tá Trần Thị Kim Lý, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM phát biểu tại buôit họp báo. Ảnh: Hà Chung. |
Như vậy, tính đến ngày 17/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố 128 bị can liên quan đến Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trong đó nhiều lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam gồm Trần Kỳ Hình, nguyên Cục trưởng; Đặng Việt Hà, Cục trưởng; Trần Anh Quân, Quyền Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới; Đặng Trần Khanh, Phó trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới; Phạm Đức Ngọc, Chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”.
Theo điều tra, để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động của trung tâm, các bị can là Giám đốc các Trung tâm đăng kiểm đã chỉ đạo nhân viên trung tâm trong quá trình kiểm định chất lượng và đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường cố ý bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải… của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Công an TP.HCM đọc lệnh bắt giam Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: CACC. |
Đáng chú ý, trên cương vị Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà đã nhận tiền hối lộ để cấp phép hoạt động cho các Trung tâm đăng kiểm chưa đủ điều kiện theo quy định. Ngoài ra còn buông lỏng quản lý, nhận tiền “chung chi” hàng tháng, hàng quý của các Giám đốc các Trung tâm đăng kiểm.
Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra cũng phát hiện hành vi “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật” đối với Hoàng Hữu Thịnh, Hồ Ngọc Nam, Trương Duy Đức, Trần Thế Khánh Hổ. Các đối tượng này đã bàn bạc, thống nhất, viết phần mềm can thiệp vào cơ sở dữ liệu để chỉnh sửa thông số kiểm định xe cơ giới, sau đó đem bán cho các Trung tâm đăng kiểm.
Tại Phiên họp thứ 23, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết định đưa vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Đến nay ngoài lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhiều cán bộ Trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra, làm rõ hành vi phạm tội “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Giả mạo trong công tác”… |
Nguồn: Báo lao động thủ đô