Sai lầm như đường Lê Văn Lương không nên lặp lại

Sai lầm như đường Lê Văn Lương không nên lặp lại

MTĐT –  Thứ ba, 22/11/2022 15:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng hàng loạt cao ốc mọc lên dày đặc trên tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội) đã gây ra nhiều hệ lụy, chuyên gia và các đại biểu Quốc hội cho rằng, Hà Nội cần xem xét kỹ đối với các con đường, dự án, để không lặp lại những sai lầm vốn có…

Tình trạng hàng loạt cao ốc mọc lên dày đặc trên tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội) đã gây ra nhiều hệ lụy, chuyên gia và các đại biểu Quốc hội cho rằng, Hà Nội cần xem xét kỹ đối với các con đường, dự án, để không lặp lại những sai lầm vốn có, khi biến hạ tầng tại nhiều tuyến đường trở nên quá tải, gây áp lực tới giao thông, thoát nước và môi trường.

Cao ốc dày đặc trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội nói đúng quy hoạch

Theo cử tri Hà Nội, tuyến đường Lê Văn Lương thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông do có nhiều khu đô thị, nhà chung cư tại khu vực này, đề nghị thành phố xem xét kiểm tra lại chủ trương quy hoạch, xử lý trách nhiệm của cán bộ nếu có sai phạm. Tuy nhiên, trả lời vấn đề này, UBND TP.Hà Nội khẳng định, hai bên trục đường Lê Văn Lương được xây dựng đúng định hướng quy hoạch và đưa ra nhiều căn cứ pháp lý.

Hà Nội khẳng định các quy hoạch từ trước đến nay đều cho phép xây dựng nhà cao tầng hai bên đường Lê Văn Lương, cao nhất 45 tầng. Mặc dù nhấn mạnh đến chiều cao tối đa của tòa nhà hai bên đường Lê Văn Lương, tuy nhiên UBND thành phố không trả lời cử tri về mật độ xây dựng thế nào.

Trong khi đó, hồi tháng 5, Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều vi phạm dẫn tới tăng diện tích xây dựng, số tầng và dân số ở trục đường Lê Văn Lương. Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội phản hồi kết luận thanh tra “chưa đầy đủ”, “chưa chính xác” và cần trao đổi thêm. Đến nay, UBND TP.Hà Nội và các cơ quan liên quan chưa có thông tin chính thức về việc thực hiện kết luận thanh tra.

Trên tuyến đường này, có nhiều dự án được điều chỉnh quy hoạch như trụ sở Công ty HUD kết hợp văn phòng cho thuê. UBND thành phố cùng Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã hai lần điều chỉnh, từ đất ở thành văn phòng, khách sạn, thương mại, rồi thành tòa nhà văn phòng HUD Tower, làm tăng gấp ba lần hệ số sử dụng đất, từ 16 thành 32 tầng.

Còn tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower, 4 lần điều chỉnh đã làm thay đổi từ đất cơ quan cải tạo chỉnh trang (năm 2002, 2006) thành cơ quan văn phòng cao 25 tầng (năm 2008), thành văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán (năm 2010). Việc điều chỉnh quy hoạch dự án làm tăng diện tích, mật độ xây dựng, tăng số tầng từ 5 thành 30 tầng, tăng quy mô dân số từ 500 lên trên 1.300 người.

Cũng theo ghi nhận, hàng hoạt cao ốc cũng mọc lên xung quanh các tuyến đường Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Thanh Xuân, Lê Quang Đạo… gây quá tải hạ tầng.

Xem xét kỹ lưỡng quy hoạch, không để phát sinh “đường Lê Văn Lương thứ hai”

Nói về vấn đề này, TS Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, cần làm rõ có hay không những sai phạm, tiêu cực, lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch đường Lê Văn Lương và các khu vực khác ở thủ đô Hà Nội để xử lý triệt để tình trạng này. Theo ông, cần đảm bảo khách quan và đưa ra kết luận ở tầm cao hơn để làm sáng tỏ vấn đề. Ở đây cơ quan chính thống là Thanh tra Chính phủ.

Cũng theo ông Cừ, với 2km “cõng” 33 dự án chung cư cùng 100.000 dân, tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu đang quá tải. Trước hết trách nhiệm vấn đề này thuộc về UBND TP.Hà Nội và các cấp chính quyền. Còn tình trạng vòng vo, đùn đẩy, chưa có người chịu trách nhiệm thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan công an.

KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) nhìn nhận, thời gian qua công tác quy hoạch, xây dựng các công trình cao tầng trong khu vực nội đô gặp nhiều “bế tắc”. Trước hết, từ sự thiếu thống nhất, đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Xây dựng với chính quyền địa phương. Bộ Xây dựng đưa ra yêu cầu về quản lý quy hoạch và phát triển nhà cao tầng khu vực nội đô, nhưng lại không đưa ra quy định cụ thể như thế nào mà chỉ dựa vào một số văn bản quy phạm pháp luật quy định chung chung.

Ông Ánh cho rằng, cần phải xây dựng một quy định riêng về việc xử lý những vi phạm liên quan đến quy hoạch, phát triển nhà cao tầng. Trong đó sử dụng 2 công cụ chính là công cụ hành chính và công cụ tài chính, nhưng về công cụ hành chính thì Bộ Xây dựng đã trao hết cho địa phương rồi. Vì vậy, chế tài phải làm đó là công cụ tài chính, cần quy định mức phạt tiền cụ thể từng hành vi vi phạm và nâng cao mức xử phạt hơn nữa để địa phương lấy đó làm căn cứ thực hiện.

Vị chuyên gia đề cập đến bài học về chung cư mọc lên dày đặc ở đường Lê Văn Lương. Nếu tiếp tục xu hướng chuyển đổi nhà máy thành cao ốc, đất trống thành chung cư trên những tuyến đường khác, Hà Nội có thể lặp lại sai lầm này.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ cho rằng, tình trạng điều chỉnh quy hoạch tại nhiều khu vực, nhiều tuyến đường ở Hà Nội diễn ra từ lâu. Đầu tiên phải xác định nguyên nhân, người chịu trách nhiệm ký duyệt các dự án thời điểm đó. Những vi phạm trong công tác quy hoạch là sai lầm nghiêm trọng và khó có thể khắc phục được. Do đó, việc xử lý vi phạm không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm.

Trước đó, ngày 3.11, chất vấn Bộ trưởng Xây dựng tại Quốc hội, đại biểu Lý Văn Huấn (Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên) đã dẫn chứng việc xây dựng nhà cao tầng trên tuyến đường Lê Văn Lương là điển hình bất hợp lý “phá vỡ quy hoạch tầm chiến lược và mất cảnh quan đô thị”. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch ở một số địa phương, có trường hợp tùy tiện, chưa đảm bảo yêu cầu, quy chuẩn dẫn đến phá vỡ quy hoạch.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích