Sài Gòn trong lòng Hà Nội ngày 30-4-1975 và khát vọng tương lai

Sự kiện 30-4-1975 hàm chứa một giá trị lịch sử thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại: Ngày hội tụ lòng người giữa 2 đầu chiến tuyến bị chia cắt bởi thế lực ngoại bang, giang sơn thu về một mối, non sông liền một dải thống nhất Bắc – Trung – Nam không gì chia cắt được; đồng bào cùng “nối vòng tay lớn”, hoan ca “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, vẫy cờ hoa, nước mắt xen lẫn nụ cười mừng ngày hạnh phúc.

1. Nhìn lại chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhất là 49 năm đã qua kể từ ngày 30-4-1975, nay dạo quanh phố phường Hà Nội, dường như trong sắc cờ hoa, dưới bóng cây cổ thụ, san sát những ngôi nhà cổ kính đan xen những tòa nhà hiện đại, lòng người Việt Nam yêu nước càng thấy chộn rộn hoài niệm về những năm tháng không bao giờ phai mờ trong lịch sử oai hùng từng in dấu ấn của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Nơi đây, tổ tiên ta đã xây thành đắp lũy chế ngự vùng ven sông Hồng mở ra tương lai cho nền văn minh lúa nước.

Sài Gòn trong lòng Hà Nội ngày 30-4-1975 và khát vọng tương lai
Người Hà Nội đổ ra phố Đinh Tiên Hoàng sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng. Ảnh tư liệu

Ven sông Hồng, từng vang lời thề “rửa sạch nước thù” của bà Trưng, chứng kiến cảnh voi chiến của đoàn quân do hai người phụ nữ lãnh đạo ầm ầm tiến đánh Luy Lâu (sào huyệt nền thống trị của nhà Hán ở Giao Châu), khiến bọn đô hộ phương Bắc hồn xiêu phách lạc. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt có triều chính tự chủ bởi phụ nữ anh hùng.

Chí khí hào hùng ấy còn truyền lại cho bà Triệu với lời tuyên ngôn vọng vang biển cả “ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, chém cá kình ở Biển Đông, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người”.

Cũng từ vùng ven sông Cái (còn có tên là Nhị Hà, sông Hồng), lịch sử còn chứng kiến sự ra đời của nước Vạn Xuân do Lý Nam đế khởi dựng, với khát vọng dựng xây cơ đồ dân tộc mãi mãi thanh xuân, cường thịnh, bất tử.

Có lẽ đó cũng là tiền đề mang lại nguồn cảm hứng cho Đinh Tiên Hoàng lấy tên nước là Đại Cồ Việt. Trên nền tảng lòng tự hào, tự tôn dân tộc trải ngàn đời, đã nâng tầm khát vọng dân tộc, truyền vọng thiên niên kỷ những áng thiên cổ hùng văn ở vùng sông Hồng, đặc biệt là chiếu dời đô khẳng định tầm tư duy đi trước thời đại, vạn cổ nhất linh.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người ta có cảm tưởng như được tái hiện hào khí “Diên Hồng” mang tinh thần “sát Thát” của vua tôi triều Trần, tái hiện cảnh đại chiến mùa xuân Kỷ Dậu 1789 của đoàn chiến binh Tây Sơn.

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã gương mẫu, tiên phong thực hiện lời thề độc lập vang vọng giữa Ba Đình lịch sử, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Suốt 9 năm kháng chiến thần thánh vệ quốc, quân và dân Hà Nội vẫn một lòng son sắt với Đảng, với Bác Hồ, dũng cảm mưu trí đánh giặc trong vùng địch, làm cơ sở kháng chiến kiên trung, bất khuất, nuôi chí lớn đợi ngày đón Bác Hồ và Trung ương Đảng trở về mừng vui chiến thắng. Năm cửa ô vẫy chào đoàn quân chiến thắng tưng bừng niềm kiêu hãnh không chỉ của người Thủ đô mà là biểu tượng cho cả một dân tộc bước từ đài vinh quang Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Sài Gòn trong lòng Hà Nội ngày 30-4-1975 và khát vọng tương lai
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: Đình Dzũng

2. Những năm đầu sau hòa bình lập lại, nghe theo Bác Hồ trong “Lời kêu gọi nhân Ngày Giải phóng Thủ đô”, toàn Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội đã hăng hái lao động, sản xuất với tinh thần thi đua ái quốc, sáng tạo, biến Thủ đô thành một đại công trình kiến tạo nền tảng chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trải qua 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Thủ đô Hà Nội lại ngời sáng biểu tượng “lưng đao gươm tay mềm mại bút hoa”, luôn vững tay súng, tay búa, tay cuốc, tay cày, tay bút, tay đàn, quyết bám trụ kiên trung, là nơi bảo vệ vững chắc cơ quan đầu não kháng chiến của một dân tộc anh hùng, là biểu tượng của hòa bình, lương tri, phẩm giá nhân loại, là nơi rạng ngời chân lý thời đại “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”. Từ nơi đây, Bác Hồ đã tiên đoán, nếu như đế quốc Mỹ có chịu thua thì cũng phải sau khi chúng chịu thất bại trên bầu trời Hà Nội, cho nên quân và dân Thủ đô đã chủ động về chiến lược đối phó với B52 của Mỹ. Khi điều tiên đoán ấy đến thì Hà Nội chẳng những không bị bom Mỹ đánh tan chảy trở về thời kỳ đồ đá, ngược lại càng luyện nên chất thép vô địch, đè bẹp giấc mộng xâm lăng của trùm sỏ đế quốc.

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” vào cuối năm 1972 tái hiện sự lặp lại cơn ác mộng đối với kẻ xâm lăng từng xảy ra trong lòng Đồi A1 vào đầu tháng 5-1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 cách nhau 18 năm, đều mang lại một chiến thắng chung cuộc mang tầm vóc thời đại, đó là sự kết liễu chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, và sự kết liễu chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên phạm vi toàn cầu. Như vậy, Thủ đô Hà Nội là nơi tiên phong gánh vác, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử của dân tộc mang tầm vóc lịch sử và thời đại.

Sài Gòn trong lòng Hà Nội ngày 30-4-1975 và khát vọng tương lai
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội sẽ lấy sông Hồng làm trục trung tâm. Ảnh: Hữu Nghị

3. Qua gần 40 năm đổi mới, Thủ đô Hà Nội đã tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, gương mẫu đi đầu trong việc chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ một Thủ đô điển hình trong thời bao cấp với văn hóa xếp hàng, Hà Nội đã thay đổi từng ngày theo chiều hướng tự cởi trói cho mình, tự cứu mình trước khi trời cứu, đổi mới nhưng không đổi màu. Diện mạo Thủ đô không chỉ thay đổi về các công trình xây dựng đồ sộ mà điều quan trọng là trong lòng phố vẫn còn lưu giữ được hồn cốt văn hiến ngàn năm linh thiêng, không trộn lẫn vào đâu, luôn là mạch nguồn cuốn hút sự đam mê sáng tạo nghệ thuật, phát triển kinh tế – xã hội, thu hút du khách muôn nẻo tìm về để chiêm ngưỡng và khám phá kỳ bí lịch sử dân tộc Việt Nam.

Sẽ không là gì nếu như trong sự phát triển đi lên của Hà Nội, nếu thiếu đi tầm nhìn của sự tiếp biến giữa các giá trị ngàn năm văn hiến, linh thiêng quá khứ với các giá trị anh hùng thời hiện đại, bởi Thủ đô là kho báu giàu nhất các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc.

Trong những giá trị lớn lao ấy, có 2 giá trị nhân lõi cần được kết nối nhau, đó là giá trị văn hiến ngàn năm của Thủ đô Hà Nội, với giá trị văn minh hiện đại của hơn 300 năm Sài Gòn – Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh), đặc biệt là 2 địa danh có liên quan tới lãnh tụ Hồ Chí Minh, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, lãnh đạo toàn dân kháng chiến để giải phóng miền Nam, nơi Người yên giấc ngàn thu.

Sức mạnh nhân đôi của Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn càng mang lại sức mạnh gấp bội phần cho cả dân tộc Việt Nam, vì Hà Nội là hồn cốt cho biểu tượng dân tộc Việt Nam xưa và nay, bồi đắp sức mạnh nội sinh dân tộc vững bước hướng tới tương lai; còn thành phố Hồ Chí Minh là nơi thực hiện khát vọng của Bác Hồ kính yêu “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Sài Gòn trong lòng Hà Nội ngày 30-4-1975 và khát vọng tương lai
Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Nhật Nam

Với tinh thần bất diệt của ngày 30-4 và Ngày Quốc tế lao động 1-5, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Thủ đô Hà Nội, của thành phố Hồ Chí Minh, cùng mọi miền Tổ quốc càng khắc ghi công ơn trời biển của Bác Hồ, tuyệt đối trung thành với Đảng, chung sức đồng lòng tôn tạo cơ đồ dân tộc, đúng như lời khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích