“Sạch hóa” thị trường thực phẩm Tết
Xử lý nhiều trường hợp buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… đã tung ra thị trường các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, cũng như mọi năm, nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm lại trở thành vấn đề nóng. Nhất là thời gian gần đây, khi lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn các thành phố lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội, khiến sự lo lắng của người tiêu dùng càng tăng cao.
Nhiều đối tượng kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn bị lực lượng chức năng Hà Nội xử lý. |
Điển hình như ngày 7/1/2024, trong quá trình làm nhiệm vụ tại khu vực thôn Xuân Trạch, Công an xã Xuân Canh (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã phát hiện anh N.V.T (trú tại xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đang vận chuyển, bốc dỡ một số thùng hàng từ xe ô tô BKS 89D-011.76 vào nhà dân trong thôn Xuân Trạch.
Các thùng hàng này phát ra mùi thực phẩm sống tanh hôi nên tổ công tác Công an xã Xuân Canh đã tiến hành kiểm tra, xác minh. Thời điểm kiểm tra, anh T không xuất trình các hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Anh T khai nhận, các thùng hàng (thùng xốp) chứa nội tạng động vật (tràng lợn), được thu mua, gom từ nhiều nguồn để mang bán kiếm lời và số hàng hóa này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tiến hành kiểm tra trong kho, tổ công tác phát hiện nội tạng động vật đóng trong các thùng hộp carton màu xanh có chữ nước ngoài; thực phẩm đều đang ngả màu và bốc bùi, toàn bộ đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, với tổng khối lượng cả trên xe và trong kho là hơn 1,2 tấn.
Trước đó, ngày 26/12/2023, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ – Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phát hiện trên địa bàn quận có 1 đường dây chuyên cung cấp các loại thực phẩm “bẩn” gồm lòng lợn, tràng trứng, chân gà… được thu mua từ đường biên giới phía Bắc đưa về Hà Nội tiêu thụ trong dịp Tết. Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng phương tiện vận chuyển (xe khách) chuyển thực phẩm trong các thùng xốp đóng kín, đưa về tập kết ở các điểm vắng vẻ, ít người qua lại, sau đó thuê xe ôm nhận hàng và chở đến các địa điểm thu gom để tập kết về kho cất giấu.
Qua quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ, Đội Cảnh sát Kinh tế phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 22 – Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, đối với Đào Hoàng T (trú tại Nam Thanh, Tiền Hải, Thái Bình – chủ hàng), đang tập kết hơn 1 tấn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm: 160kg lòng lợn non; 160kg tràng lợn; 130kg lườn ngỗng; 120kg trứng gà non; 325kg nầm lợn, 120kg chân gà rút xương.
Thời điểm kiểm tra, đối tượng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của số hàng hóa, và khai đã mua gom số hàng trên từ nhiều đối tượng bán hàng ở đường biên giới phía Bắc và Tây Bắc. Sau đó, T thuê phương tiện xé nhỏ đưa về điểm tập kết hàng hóa nêu trên và lên đơn hàng bán cho các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán ăn vỉa hè để tiêu thụ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới. Rất may các sản phẩm này chưa kịp đưa ra thị trường tiêu thụ…
Cần mạnh tay xử lý các vi phạm về thực phẩm bẩn
Không chỉ có các vụ việc vi phạm kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nêu trên; theo thông tin từ lực lượng chức năng, liên tiếp thời gian gần đây nhiều vụ vi phạm về kinh doanh, vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn trên địa bàn cả nước đã bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Điều này khiến việc lo ngại của người dân về thực phẩm bẩn, thiếu an toàn tại các chợ cóc, chợ tạm, chợ dân sinh… càng trở nên nóng hơn, đặc biệt vào dịp cuối năm.
Vì thế, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2024, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT cho biết, xác định công tác đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm bẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, trong cao điểm cuối năm, lực lượng QLTT cả nước sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình nhanh chóng, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn. Đồng thời, kết hợp với các lực lượng khác trên địa bàn để tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm pháp, đảm bảo cho người dân được sử dụng sản phẩm an toàn.
Cũng theo lãnh đạo Cục Nghiệp vụ, bên cạnh hoạt động chuyên môn thanh kiểm tra, xử lý, lực lượng QLTT cũng kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân; vận động người dân không tham gia tiếp tay, vận chuyển và tích cực tố giác các hành vi buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Đào Đăng Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, hành lang pháp lý để xử phạt những đối tượng vi phạm đã có, nhưng các cơ quan thực thi pháp luật cần mạnh tay hơn nữa đối với hành vi này để đủ sức răn đe. Thậm chí có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoặc xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn nhằm ngăn chặn vấn nạn này một cách triệt để.
Đỗ Đạt
Nguồn: Báo lao động thủ đô