Sắc màu Tây Bắc giữa lòng Thủ đô
Phát triển du lịch xanh
Trong khuôn khổ sự kiện du lịch “Sắc màu Sơn La – Tây Bắc”, Hội nghị liên kết phát triển sản phẩm du lịch mới, tour du lịch Hà Nội – Sơn La với chủ đề “Sơn La – điểm đến khác biệt an toàn và hấp dẫn” đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch lữ hành, cơ sở dịch vụ lưu trú, nhà hàng ăn uống, hợp tác xã của Hà Nội và Sơn La. Qua đó tìm hiểu nhu cầu giữa hai bên cũng như tiến tới xây dựng các chương trình hợp tác phát triển du lịch, hình thành những tour, tuyến du lịch Hà Nội – Sơn La, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, chuyên nghiệp hơn.
Quảng bá du lịch Sơn La – Tây Bắc đến gần hơn với người dân Thủ đô. |
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cho biết: “Để có thể thu hút khách từ thị trường cả nước đến Sơn La thì điểm đến này phải có những thay đổi, tạo ra sự khác biệt. Trong đó, bản thân Sơn La phải có sự khác biệt và các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm đến Sơn La cũng cần tạo thành sự khác biệt. Chắc hiếm nơi nào trên đất nước Việt Nam còn được những thảo nguyên mênh mông như ở Mộc Châu (Sơn La). Màu sắc văn hóa ở vùng đất này cũng rất đặc trưng. Chính những điều đó đã tạo ra sự khác biệt cho Sơn La. Với những khách du lịch yêu thích văn hóa thì Sơn La chính là nơi có các bản làng đậm chất văn hóa để có thể tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm. Bên cạnh đó, Sơn La đang phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, đó là nhu cầu của khách quốc tế và nội địa sau đại dịch”.
Cũng theo ông Thắng, một điểm du lịch đi lên không phải tự nhiên mà định hình được thương hiệu ngay được mà nó phải có thời gian, phải mất vài năm, thậm chí hàng chục năm mới được du khách biết đến. Quan trọng là phải phát triển đúng hướng, bảo vệ cảnh quan môi trường và tạo sinh kế cho người dân.
Tương tự, là một doanh nghiệp tại Hà Nội, ông Vũ Văn Tuyên – Giám đốc doanh nghiệp lữ hành Trevelogy cho biết: “Phát triển du lịch xanh là hướng đi tất yếu, bền vững. Sơn La cần những sản phẩm du lịch sáng tạo để tạo ra sự đột phá với 3 tiêu chí: Ý tưởng mới khác biệt; tạo cảm xúc và ấn tượng trong trải nghiệm cho du khách; giá trị gia tăng cao. Tỉnh Sơn La có nhiều danh lam, di tích nổi tiếng như Nhà tù Sơn La, khu du lịch quốc gia Mộc Châu… mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan. Đây chính là tiềm năng và lợi thế để tỉnh phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”.
Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân, trong những năm qua, lượng du khách đến Sơn La không ngừng tăng lên; 9 tháng năm 2022 ước đạt 2,2 triệu lượt khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng. Thị trường du lịch ngày càng mở rộng, sản phẩm du lịch đang dần được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng. Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng được quan tâm đầu tư; công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch Sơn La được đẩy mạnh; liên kết khai thác phát triển các tour, tuyến du lịch được quan tâm…
Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hình thành trục liên thông kết nối các vùng, tạo thêm sự lựa chọn di chuyển với tốc độ cao từ trung tâm huyện Mộc Châu đến địa phận tỉnh Hòa Bình và Hà Nội. Tiềm năng về phát triển du lịch, kết nối tour du lịch giữa Sơn La và Hà Nội là rất khả thi.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cho biết, phát triển du lịch là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu đưa Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc, có sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch bền vững và hội nhập quốc tế; phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; định hướng xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia.
Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định, để đảm bảo triển khai hiệu quả kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch giai đoạn mới, trong đó có việc kết nối du lịch Sơn La – Hà Nội, các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm đến kết nối tạo sản phẩm mới, làm mới sản phẩm hiện có, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến. Tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, cùng các sản phẩm bổ trợ, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf…
Đặc biệt, với Sơn La, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mới trên cơ sở phát huy thế mạnh về du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng; kết nối với Hà Nội với thế mạnh là sản phẩm du lịch thành phố, lịch sử, ẩm thực. Việc liên kết sẽ tạo được sản phẩm đa dạng, bổ trợ lẫn nhau, góp phần trao đổi khách cũng như thu hút khách quốc tế đến Hà Nội và Sơn La. Đặc biệt Hà Nội là thị trường nguồn khách nội địa, là cửa ngõ đón và phân phối khách quốc tế.
Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Chương trình khảo sát các sản phẩm du lịch hấp dẫn tại Hà Nội. Đoàn đã đến khảo sát các địa điểm như: Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, làng gốm sứ Bát Tràng và khu di sản Hoàng Thành Thăng Long. Tại các điểm đến, Đoàn khảo sát được các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của thành phố Hà Nội giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng, sản phẩm du lịch mới, địa điểm du lịch tiềm năng. Qua đó, các doanh nghiệp tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hình thành tour du lịch mới giữa tỉnh Sơn La và thành phố Hà Nội./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô