Rút tiết kiệm trước hạn một phần, vẫn giữ nguyên lãi suất phần còn lại

Với quy định hiện tạị, người gửi tiền vì có việc gấp phải “phá” sổ tiết kiệm thì sẽ mất trắng tiền lãi, nếu không muốn chịu thiệt thì phải cầm cố sổ để vay lại ngân hàng hoặc mượn người khác.

rut tiet kiem truoc han mot phan van giu nguyen lai suat phan con lai
Từ 1/8, khách hàng rút tiết kiệm trước hạn một phần vẫn được hưởng lãi cao. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Người gửi tiền rút trước hạn một phần trong sổ tiết kiệm thì số tiền còn lại vẫn được giữ nguyên lãi suất ban đầu chứ không bị áp mức không kỳ hạn như hiện nay.

Đây là nội dung mới tại Thông tư 04 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, có hiệu lực từ 1/8 năm nay. Trước đó, nội dung này được các ngân hàng kiến nghị sửa đổi, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

Theo thông tư này, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận để phù hợp với các quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với từng hình thức tiền gửi cụ thể. Lãi suất rút trước hạn tiền gửi được thỏa thuận phù hợp với quy định. Nếu không có thỏa thuận rút trước hạn tiền gửi, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi phù hợp với quy định tại Thông tư này theo 2 trường hợp.

Thứ nhất, trường hợp rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn.

Thứ hai, trường hợp rút trước hạn một phần tiền gửi: Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn. Đối với phần tiền gửi còn lại được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng.

Trong khi theo quy định hiện hành, khách không được rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm và chịu lãi suất tối đa bằng lãi suất không kỳ hạn.

Như vậy so với quy định cũ, cách tính lãi khi rút trước hạn một phần khoản tiền gửi giúp người gửi tiền có lợi hơn. Trên thực tế, không ít trường hợp người gửi tiền vì có việc gấp nên phải “phá” sổ tiết kiệm và mất trắng tiền lãi hoặc phải cầm cố sổ để vay lại ngân hàng hoặc mượn người khác khi có việc cần vì không muốn chịu thiệt khi rút trước hạn sổ tiết kiệm.

Thông tư 04 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022 và thay thế Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại tổ chức tín dụng./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích