Rút gọn thủ tục hành chính về sở hữu trí tuệ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Theo ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, thời gian qua, hoạt động sở hữu trí tuệ ngày càng gắn kết và phục vụ phát triển kinh tế- xã hội; phát triển tài sản trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và các địa phương.
Một trong những điểm nhấn trong năm 2023 là việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ như: Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN ngày 30/11/2023 của Bộ KH&CN quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp.
Các quy định mới của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP hướng tới việc đơn giản hóa, rút gọn các thủ tục hành chính và đặc biệt là đẩy mạnh việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trực tuyến đối với các đơn sở hữu công nghiệp. Điều này góp phần vào mục tiêu chung mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện là cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trong môi trường số.
Ảnh minh hoạ
Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng của Nghị định là đã quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục để các tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ (chủ yếu là các viện nghiên cứu, trường đại học) chủ động đăng ký xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng do Nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ KHCN chủ động đăng ký, khai thác thương mại các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.
Thời gian tới, để các văn bản pháp luật mới về sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống, cũng như để đẩy nhanh việc xử lý đơn sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang triển khai một loạt các công việc như: Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp theo hướng tối ưu hóa quy trình, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác xử lý đơn.
Xây dựng và triển khai Kế hoạch xử lý đơn sở hữu công nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, hướng đến năm 2027 đưa thời gian thẩm định đơn về đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; bảo đảm hoàn thành số lượng đơn sở hữu công nghiệp được giao xử lý trong kế hoạch năm 2024.
Đồng thời nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm dịch vụ công trực tuyến và phần mềm tra cứu phục vụ thẩm định đơn đáp ứng nhu cầu nộp đơn trực tuyến ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp; tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, thẩm định đơn…
Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2023, Cục tiếp nhận hơn 156.000 đơn các loại (tăng 11% so với năm 2022), bao gồm 84.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,5%) và 71.660 các loại đơn/yêu cầu khác (tăng 14,1%), trong đó đơn sáng chế tăng 10,6%, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng 11,8%. Cục Sở hữu trí tuệ đã xử lý được 125.778 đơn các loại, trong đó có: 74.130 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 13,2% so với năm 2022) và 51.648 đơn/yêu cầu khác (tăng 6,6%); cấp 36.977 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại.
Phong Lâm