Rượu bia trực tiếp gây ra 30 loại bệnh và “tiếp tay” cho 200 loại bệnh khác
Rượu bia trực tiếp gây ra 30 loại bệnh và “tiếp tay” cho 200 loại bệnh khác
Theo các chuyên gia, việc lạm dụng rượu bia không chỉ gây tổn thất rất lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật, tử vong trên toàn thế giới.
Những con số giật mình liên quan đến rượu bia
Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 được Tổng cục Thống kê công bố, lượng tiêu thụ rượu bia tăng trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020.
Đáng chú ý, mức tiêu thụ rượu bia ở nhóm hộ gia đình khá giả cũng tăng so với trước. Cụ thể, trong năm 2020, nhóm hộ gia đình khá giả nhất tiêu thụ rượu bia bình quân 2,4 lít/người/tháng, còn nhóm hộ nghèo tiêu thụ khoảng 1,3 lít/người/tháng.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu, bia ngày càng gia tăng. Bình quân mỗi năm Việt Nam có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Trong đó, khoảng 4.800 trường hợp có liên quan rượu bia…
Ngoài ra, 70% số vụ phạm pháp hình sự ở Việt Nam có nguyên nhân xuất phát từ sử dụng rượu, bia ở nhóm tuổi dưới 30. Nhiều vụ lạm dụng tình dục phụ nữ, trẻ em… rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 loại bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh.
Tiêu thụ rượu bia của người Việt tăng, dù năm 2020 chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)
Uống rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe
ThS.BS Võ Ngọc Quốc Minh, Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Số lượng các ca nhập viện cấp cứu liên quan đến ăn uống cũng như sử dụng bia rượu tăng mạnh qua các năm. Các bệnh thường gặp như viêm tụy cấp, viêm gan và viêm dạ dày đều liên quan đến bia rượu”.
Những bệnh điển hình do bia rượu gây ra như ngộ độc rượu cấp tính khi sử dụng quá nhiều rượu, viêm gan mạn tính, xơ gan, viêm tụy cấp ở những người uống rượu thường xuyên.
Theo BS Võ Ngọc Quốc Minh, rượu bia còn gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe như tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản, ung thư gan, ung thư đại tràng, làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Do đó, rất dễ bị nhiễm trùng đặc biệt những người nghiện rượu dễ bị lao phổi…
Rượu là một chất tác động tâm thần mạnh, do đó sử dụng nhiều rượu bia có thể gây ra một số các rối loạn tâm thần kinh như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, làm gia tăng các ý tưởng tự sát hoặc xu hướng tấn công. Người nghiện rượu dễ bị kích động, thần trí không ổn định và trở nên bạo lực. Đã có những trường hợp giết người rất đau lòng chỉ vì sử dụng bia rượu dẫn tới không tự kiểm soát được hành vi.
ThS.BS Võ Ngọc Quốc Minh khuyến cáo: Không nên tự ngâm rượu để uống vì nếu sử dụng các loại rễ cây hay thảo dược, các loại động vật ngâm vào trong rượu không rõ thành phần cũng như không rõ công dụng thì có thể dẫn đến những tác dụng có hại cho sức khỏe. Vì vậy, rượu ngâm không đảm bảo sẽ an toàn hơn so với những loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Mặc dù làm từ thảo dược nhưng thực ra rượu thuốc cũng là rượu. Vậy nên uống rượu thuốc quá nhiều thì vẫn có thể bị nghiện rượu và ngộ độc rượu giống như rượu bia thông thường.
Rượu bia gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe (Ảnh minh họa)
Những lưu ý khi sử dụng rượu bia
ThS BS. Võ Ngọc Quốc Minh chia sẻ thêm: Lượng cồn khi chúng ta uống một chai bia tương đương với lượng cồn khi uống một ly rượu vang và cũng tương đương một ly nhỏ rượu mạnh. Để uống rượu bia nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thì đối với nam giới mỗi ngày chỉ nên uống khoảng 2 đơn vị cồn tương đương với 2 chai bia hoặc là 2 ly rượu vang mỗi ngày, đối với nữ giới thì chỉ nên uống khoảng 1 đơn vị mỗi ngày.
Trong những trường hợp uống không thường xuyên thì có thể tính tổng trên một tuần. Nếu trong một tuần mà uống trên 14 đơn vị tương đương 14 chai bia thì được xem là uống nhiều. Tùy thuộc vào cơ địa của từng người, có những người hoàn toàn không uống rượu bia được cũng có những người uống ít và có người uống hầu như là không say.
Khi uống rượu bia vào thì trong cơ thể có những men ở gan để chuyển hóa rượu bia. Vì vậy, những người mà có nhiều men chuyển hóa sẽ chuyển hóa rượu bia tốt hơn, khó bị say hơn những người có ít men chuyển hoá.
ThS BS. Võ Ngọc Quốc Minh khuyến cáo: Trước khi uống rượu bia nên ăn no, vì khi bụng đói thì rượu bia dễ hấp thu vào cơ thể dẫn đến dễ say. Phải uống nhiều nước vì khi uống nhiều rượu bia sẽ dẫn đến mất nước, không nên lạm dụng các loại thuốc giải độc gan và những thuốc giải rượu vì thực sự những thuốc này không hề có tác dụng.