Rừng Ia Mơ bị tàn phá: Thêm nhiều khu vực rừng tự nhiên bị bức tử

Rừng Ia Mơ bị tàn phá: Thêm nhiều khu vực rừng tự nhiên bị bức tử

Sau nhiều ngày thông tin về “Rừng Ia Mơ bị tàn phá”, đến nay việc kiểm tra vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, nhiều khu vực rừng tự nhiên trên địa bàn xã Ia Mơ tiếp tục được phát hiện đã bị cưa hạ, có nơi cây chỉ còn lại gốc và cành.

Thêm nhiều diện tích rừng tự nhiên bị bức tử

Ngoài 2 khu vực rừng tự nhiên bị tàn phá đã được PV Môi trường và Đô thị phản ánh trước đó, tiếp tục mở rộng phạm vi điều tra, PV ghi nhận thêm nhiều diện tích rừng nằm xa khu dân cư đang bị “xóa sổ”. Cách UBND xã Ia Mơ về hướng Tây Nam khoảng 7,5km, tại đây có nhiều cây gỗ lớn đường kính từ 35-45cm đã bị cưa hạ, phần thân cây đã bị đưa khỏi hiện trường. Những gốc cây rừng còn lại vẫn đang rỉ nhựa, cành lá chưa kịp khô héo. Theo ghi nhận, có khoảng 20 gốc cây to, còn lại vô số cây có đường kính nhỏ hơn cũng bị cưa phá, cắt thành từng đoạn ngắn bỏ lại tại hiện trường.

tm-img-alt

Nhiều cây rừng từ to đến nhỏ đều bị tận diệt tại khu vực xã Ia Mơ.

Theo tìm hiểu, khu vực rừng có thân gỗ lớn bị cưa hạ nêu trên thuộc Tiểu khu 1008, do Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur (huyện Chư Prông) quản lý.

Liên quan đến lâm phần tại tiểu khu 1008, giữa tháng 3/2023, trong quá trình kiểm tra, UBND xã Ia Mơ phát hiện ông Nguyễn Hoàng Định (trú xã Ia Mơ) đào, sử dụng đất trái phép tại tiểu khu 1008 để làm đường dài 2km dẫn vào cánh đồng Đầm Hươu. Cùng với đó, việc mua gom đất trong dân để triển khai dự án trồng chuối tại khu vực này với diện tích lớn không đúng quy định và dự án chưa được cơ quan chức năng cấp phép bị phát hiện, xử lý.

tm-img-alt
Vị trí số 1 – nơi phát hiện cây rừng bị triệt hạ và đưa lên xe máy cày chở đi nơi khác khi thấy có người lạ.

Chưa dừng lại ở đó, cùng trên địa bàn xã Ia Mơ, PV tiếp tục di chuyển hướng về đường QL14C, khi di chuyển theo hướng Tây, đến khu vực rừng cách Đồn biên phòng Ia Lốp khoảng 4km và cách UBND xã Ia Mơ 16km thì phát hiện nơi này có nhiều dấu hiệu của vụ phá rừng và vận chuyển cây rừng với quy mô lớn.

Để kiểm tra thực hư, khi di chuyển tiếp về hướng Tây, PV phát hiện tiếng động cơ rất lớn, trong lúc tiến lại gần để ghi hình thì bất ngờ có người lạ mặt từ xa xông đến có vẻ rất khó chịu. Tuy nhiên nhóm người này sau đó điều khiển phương tiện là chiếc máy cày màu xanh kéo theo phần thân xe độ chế chở đầy cây gỗ di chuyển ì ạch ra khỏi rừng rồi hướng về đường QL14C.

Việc phá rừng, chặt hạ từ cây to đến cây nhỏ như tận diệt, phá trắng để chiếm đất làm nương rẫy diễn ra liên tục trên địa bàn xã Ia Mơ, bên cạnh đó ngành chức năng cùng các cấp chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra… nhưng rừng vẫn bị triệt hạ. Trách nhiệm thuộc về ai?

Để có thêm nhận định từ cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương nơi cánh rừng Ia Mơ từng ngày bị tàn phá, ngày 24/3, PV liên lạc với Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, tuy nhiên không nhận được phản hồi.

Tiếp tục liên hệ, qua trao đổi thông tin với Bí thư Huyện uỷ Chư Prông, ông Đinh Văn Dũng cho biết: Huyện có nhận được tin vụ việc và đã chỉ đạo lực lượng Công an và Kiểm lâm phối hợp kiểm tra, xử lý.

Về phía ngành Kiểm lâm tỉnh, ông Nguyễn Hữu Huân – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: Lực lượng đang phối hợp kiểm tra và sẽ có kết quả, báo cáo trong ngày 24/4.

tm-img-alt

Chiếc xe máy cày chở theo đầy cây gỗ xuất hiện tại khu vực rừng cách Đồn biên phòng Ia Lốp khoảng 4km.

Ia Mơ – Bao giờ hết rừng?

Liên quan đến những khu vực rừng tự nhiên còn lại trên địa bàn xã Ia Mơ đang từng ngày bị tận diệt, thì vài năm trở lại đây, đại công trình thủy lợi Ia Mơ (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có tổng vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng đang dần hoàn thiện nhưng chưa đảm bảo mục tiêu về vùng tưới. Để thực hiện trọn vẹn vấn đề này, địa phương và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn lấy ý kiến trình Chính phủ, Quốc hội xem xét việc chuyển đổi 4.700ha đất có rừng sang đất sản xuất nông nghiệp, nhằm phục vụ vùng tưới nước cho hồ thủy lợi Ia Mơ.

tm-img-alt

Nhiều diện tích đất rừng và cây rừng tại xã Ia Mơ đang từng ngày bị chặt phá theo cách tận diệt.

Nhận định của các chuyên gia, việc chuyển đổi 4.700ha đất có rừng sang đất nông nghiệp sẽ cần nguồn ngân sách rất lớn đến vài nghìn tỷ đồng để tiếp tục thiết kế vùng tưới của dự án cho hồ thủy lợi Ia Mơ. Việc chuyển đổi rừng để làm ruộng có được thông qua trong thời gian đến còn phải chờ…

Nhưng các thông tin về việc chuyển rừng thành vùng tưới và gần 5.000ha đất rừng tại xã Ia Mơ cũng đã được phía tỉnh Gia Lai bước đầu thực hiện việc quy hoạch, thay đổi thông tin từ hiện trạng đất rừng tự nhiên thành đất nông nghiệp khác vào năm 2022 đã được nhiều người dân trong vùng tại huyện Chư Prông thông tin không đúng và trở thành điểm nóng của nạn “tận diệt rừng”.

tm-img-alt

Vùng tưới cho dự án thủy lợi Ia Mơ nếu được phê duyệt sẽ đồng thời chuyển đổi gần 5.000ha đất rừng và vô số cây rừng sẽ bị phá bỏ.

Theo đó, nhiều người dân tại các xã lân cận với xã Ia Mơ đã tìm mọi cách vào rừng để chặt phá, cưa cây nhằm lấn chiếm diện tích đất rừng tự nhiên nằm trong quy hoạch vùng tưới để làm nương rẫy. Đồng thời việc phá rừng, tách vỏ cho cây chết dần đúng vào thời điểm các nơi đổ xô nhau mua nguyên liệu cây, cành khô các loại để băm, nghiền làm viên gỗ nén xuất khẩu… việc này càng khiến cho hoạt động lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy và phá rừng làm viên gỗ nén diễn ra ồ ạt, khó kiểm soát.

Để xử lý tình trạng nêu trên, cần sự chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Gia Lai ngăn chặn nạn phá rừng, hoạt động buôn bán gỗ, củi trái pháp luật đang diễn ra ồ ạt tại xã Ia Mơ và khu vực lân cận.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích