Rừng Amazon đang mất dần khả năng phục hồi dưới áp lực của con người, hạn hán
Rừng Amazon đang mất dần khả năng phục hồi dưới áp lực của con người, hạn hán
Theo dõi MTĐT trên
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science số ra ngày 26/1, hơn 1/3 rừng nhiệt đới Amazon có thể đã bị suy thoái do hoạt động của con người và hạn hán.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 3/4 diện tích rừng Amazon đã mất đi một số khả năng phục hồi, hoặc khả năng lấy lại sinh khối sau khi bị xáo trộn.
Sự mất khả năng phục hồi này đặc biệt cao ở những vùng gần với hoạt động của con người và ít mưa hơn.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science số ra ngày 26/1, hơn 1/3 rừng nhiệt đới Amazon có thể đã bị suy thoái do hoạt động của con người và hạn hán. Do vậy, các nhà khoa học cho rằng cần phải hành động để bảo vệ hệ sinh thái rất quan trọng này.
Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu tại Đại học Estadual de Campinas và các tổ chức khác ở Brazil cho biết thiệt hại đối với rừng Amazon trải rộng 9 quốc gia ở Nam Mỹ lớn hơn nhiều so với những gì được biết trước đây. Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh vệ tinh và dữ liệu khác từ năm 2001 đến 2018.
Các nhà khoa học đã xem xét những tác động của các vụ cháy rừng, hoạt động khai thác gỗ, hạn hán và thay đổi môi trường sống dọc theo ranh giới rừng, bởi hầu hết các nghiên cứu trước đây về hệ sinh thái rừng Amazon đều tập trung vào hậu quả của nạn chặt phá rừng.
Nghiên cứu cho thấy các vụ cháy rừng, khai thác gỗ và thay đổi môi trường sống dọc theo ranh giới rừng đã làm suy giảm ít nhất 5,5% diện tích rừng Amazon còn lại, tương đương 364.748 km2, từ năm 2001 đến 2018. Tuy nhiên, nếu tính cả tác động của hạn hán, diện tích rừng Amazon bị suy thoái tăng lên 2,5 triệu km2, tương đương 38% diện tích rừng Amazon còn lại.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 3/4 diện tích rừng Amazon đã mất đi một số khả năng phục hồi, hoặc khả năng lấy lại sinh khối sau khi bị xáo trộn. Sự mất khả năng phục hồi này đặc biệt cao ở những vùng gần với hoạt động của con người và ít mưa hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết hạn hán khắc nghiệt ngày càng trở nên thường xuyên ở Amazon do thay đổi sử dụng đất và biến đổi khí hậu do con người gây ra, ảnh hưởng đến tỷ lệ cây chết, tỷ lệ cháy rừng và lượng phát thải carbon vào khí quyển.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh các vụ cháy rừng gia tăng trong những năm hạn hán, đồng thời cảnh báo nguy cơ xảy ra “những vụ cháy rừng lớn hơn nhiều” trong tương lai.
Trong một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Science về tác động của con người đối với rừng Amazon, các nhà nghiên cứu từ Đại học Louisiana Lafayette và các tổ chức khác đã kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ rừng.
Theo các nhà khoa học, rừng Amazon có nguy cơ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn bị suy thoái và biến đổi do nạn chặt phá rừng trong khu vực cùng với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu cho biết những thay đổi này đang diễn ra quá nhanh khiến các loài động, thực vật, người dân và hệ sinh thái ở Amazon không kịp thích nghi.
Do vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng cần phải ban hành ngay các chính sách nhằm ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất. Tân Tổng thống Brazil, ông Luiz Inacio Lula da Silva, đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng Amazon vào năm 2030.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị