Rủi ro tiềm ẩn trong những khu vực tái chế xe hơi và thiết bị điện tử cũ
Rủi ro tiềm ẩn trong những khu vực tái chế xe hơi và thiết bị điện tử cũ
Trong các mẫu bụi lắng tại các làng tái chế đồ điện tử và xe hơi cũ tại miền Bắc Việt Nam tồn tại một số lượng lớn các chất chống cháy có thể gây nguy hại đến sức khoẻ con người.
Trong các mẫu bụi lắng tại các làng tái chế đồ điện tử và xe hơi cũ tại miền Bắc Việt Nam tồn tại một số lượng lớn các chất chống cháy có thể gây nguy hại đến sức khoẻ con người.
Từ lâu, thôn Thuyền (xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã nổi tiếng với nghề mổ, phá xe ô tô cũ, hết “đát”. Dọc con đường trong thôn, những người thợ hằng ngày cặm cụi tháo xe, phân loại, định giá vật liệu.
Cách đó không xa, người dân tại làng nghề tái chế rác thải điện tử Bùi Dâu (xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) đang tháo gỡ những bộ phận bên trong thiết bị bị thải bỏ để lấy những linh kiện cần thiết, phần còn lại chủ yếu bị vứt ra ngoài đường hay các khu vực bờ sông.
Chất thải điện tử và xe ô tô cũ được coi là chất thải nguy hiểm, vì chúng chứa nhiều chất độc hại, gồm kim loại nặng và chất gây ô nhiễm hữu cơ như chất chống cháy và hoá chất cách điện. Tại các quốc gia có thu nhập thấp, người dân tại những khu vực tái chế chất thải phi chính thức thường sử dụng các phương pháp xử lý thô sơ gây rò rỉ chất độc bên trong thiết bị – vô tình biến nơi đây trở thành nguồn phát thải chính các chất độc hại gây ảnh hưởng đến môi trường và dân cư xung quanh.
Trong một nghiên cứu trước đây, GS.TS Phạm Hùng Việt, TS. Lê Hữu Tuyến (Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ môi trường tiên tiến, trường Đại học Ehime, Nhật Bản, khảo sát và lấy mẫu bụi lắng thực địa tại khu vực tái chế chất thải điện tử của làng nghề Bùi Dâu và khu vực xử lý xe hơi cũ của thôn Thuyền.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện mức độ ô nhiễm cao của các chất chống cháy brom hữu cơ (BFR) và Polychlorinated biphenyl (PCB) trong tụ điện tại các địa điểm xử lý rác thải điện tử và xe hơi cũ phi chính thức tại Việt Nam. PCB là một nhóm các hợp chất nhân tạo được sử dụng phổ biến trước đây trong các thiết bị điện, nhưng đã bị cấm vào cuối những năm 1970 ở nhiều nước bởi những nguy cơ tiềm ẩn cho môi trường và sức khỏe. Dù vậy PCB là những hợp chất rất bền vững và hiện vẫn còn tồn tại trong môi trường.
Gần đây, nhóm nghiên cứu đã tiếp tục công bố một nghiên cứu toàn diện hơn cũng tại khu vực này để làm rõ sự xuất hiện của nhiều loại chất chống cháy bao gồm chất BFR mới, chất chống cháy clo hóa và este phosphate hữu cơ (OPE) trong bụi lắng. Các phát hiện đã được công bố trên tạp chí Environmental Pollution.
Nhìn chung, mức độ ô nhiễm chất chống cháy tại khu vực xử lý xe hơi cũ thấp hơn so với mức độ ô nhiễm tại khu vực xử lý chất thải điện tử. Giữa các chất, OPE hiện diện với tỷ lệ cao hơn rõ rệt trong thành phần chất chống cháy tại khu vực xử lý xe hơi, có thể chúng “thoát” ra từ vải bọc và đệm trong nội thất xe.
Những phát hiện này cho thấy việc tiến hành các nghiên cứu trong tương lai để làm rõ ứng dụng và tình trạng phát thải OPE trong ngành công nghiệp ô tô và xử lý ô tô cũ là một yêu cầu bức thiết, bởi phơi nhiễm quá mức chất chống cháy có thể dẫn đến ung thư và ảnh hưởng đến sinh sản. Nếu bị thải ra bãi rác, những chất chống cháy độc hại có thể ngấm vào đất, từ đó ngấm vào nguồn nước sinh hoạt, đi vào cơ thể người và gây ra những hệ lụy khôn lường.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị