Rủi ro chực chờ nhà đầu tư ‘săn’ bất động sản cắt lỗ dịp cận Tết

Nhiều nhà đất đang được chào bán với giá giảm sâu hiếm có. Đây là cơ hội đầu tư cho những người có sẵn tiền mặt nhưng không phải ai cũng “săn” được hàng tốt với giá hời.

‘Ngộp’ từ đất nền đến căn hộ

Tết Nguyên đán đến gần, thị trường bất động sản (BĐS) phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng xuất hiện nhiều thông tin rao bán nhà đất “ngộp”.

Nhà đất “ngộp” nôm na là những BĐS đang được chủ sở hữu bán tháo, bán cắt lỗ vì áp lực tài chính.

Có thể nói, thị trường BĐS đang trải qua giai đoạn sụt giảm trên diện rộng cả về lượng giao dịch lẫn giá bán. Đây là cơ hội cho nhà đầu tư có sẵn tiền mặt muốn tối đa lợi thuận. Tuy vậy, không phải ai cũng mua được BĐS tốt với giá hời.

Rủi ro chực chờ nhà đầu tư ‘săn’ bất động sản cắt lỗ dịp cận Tết
Tại huyện Củ Chi, TP.HCM, nhiều người giảm giá đất nền vì “ngộp”.

Ông P.H (ngụ Q.1, TP.HCM) cho biết, tháng 12/2022, ông được chào bán lô đất 700m2 ở huyện Củ Chi với giá 4 tỷ đồng. Theo môi giới, chủ đất mua đầu tư nhưng cần tiền trả ngân hàng nên bán gấp. Mức giá này chủ đã lỗ 100 triệu đồng.

Ông H. khảo sát thấy giá đất khu vực này hơn 6 triệu đồng/m2. Lô đất môi giới rao thấp hơn 5% giá thị trường. Nhưng sau khi đi xem đất và kiểm tra quy hoạch, ông H. phát hiện 300m2 vướng đường giao thông.

Là dân đầu tư, sau nhiều lần đi tìm đất “ngộp”, ông T.M (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng mua được lô đất 100m2 tại Thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo ông M., chủ trước mua lô đất trên vào cuối năm 2021 với giá 3,5 tỷ đồng, có vay ngân hàng 2 tỷ đồng. Vị trí lô đất rất đẹp vì nằm trong khu dân cư sầm uất, đã có sổ đỏ. Ngoài lô đất này, chủ đất còn đầu tư đất ở Lâm Đồng và cũng dùng đòn bẩy tài chính.

“Tính cả gốc và lãi, chủ đất phải trả ngân hàng 80 triệu đồng/tháng. Vì việc làm ăn gặp khó nên chủ chấp nhận bán lỗ lô đất ở Phú Mỹ 150 triệu đồng”, ông M. chia sẻ.

Không chỉ đất nền, phân khúc căn hộ cũng xuất hiện tình trạng rao bán lỗ vì “ngộp”. Ông N.K cho hay, ông vừa mua “hụt” căn hộ 70m2 tại dự án chung cư ở TP.Thủ Đức.

Người bán cho biết đã mua căn hộ giá 4,5 tỷ đồng, nay cần tiền trả nợ nên bán lỗ 200 triệu đồng. Nhận thấy mức giá khá tốt, ông K. gặp bên bán chốt giá. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn, ông K. biết được dự án chưa đủ điều kiện mở bán, không thể vay ngân hàng.

Nhà đất ‘ngộp’ có dễ mua?

Theo một nhà đầu tư có kinh nghiệm, nhiều nhà đất “ngộp” rao nhan nhản trên thị trường có giá bán thấp hơn từ 65% – 70% giá trị thực. Khó có giá rẻ hơn vì nếu như vậy chủ đã thế chấp ngân hàng. Các BĐS rẻ hơn từ 5% – 10% giá thị trường thì chưa phải là hàng “ngộp” mà chỉ gọi là sản phẩm có giá tốt.

Một số nguyên nhân khiến nhà đầu tư bán BĐS “ngộp” là “mua đỉnh bán đáy”, không có phương án tài chính dự phòng, BĐS rủi ro về pháp lý hoặc do “tồn kho” nên buộc phải hạ giá.

“Nếu đúng hàng “ngộp” thì mua được trước tiên sẽ là người thân quen với gia chủ. Sau đó mới gửi môi giới bán giúp. Khách ruột của môi giới không mặn mà thì lúc đó mới đến lượt người mua tự do”, nhà đầu tư này nói.

Rủi ro chực chờ nhà đầu tư ‘săn’ bất động sản cắt lỗ dịp cận Tết
Thông tin chào bán nhà ở nội thành TP.HCM với giá rẻ dịp cận Tết.

Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, nhìn chung, giá nhà đất “ngộp” giảm tối đa 10% so với giá thị trường. Phần lớn chủ sở hữu bị ách tắc dòng tiền, lãi suất vay tăng cao. Ai muốn bán nhanh thì phải giảm giá.

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cho rằng, trước đây giá BĐS bị đẩy lên quá cao, nay nhà đầu tư giảm giá thực chất là giảm lãi chứ không phải bán lỗ. Tình trạng “ngộp” thật xảy ra với sản phẩm trong các dự án, còn phần lớn giá đất nền nhỏ lẻ giảm sâu là giả “ngộp”.

Theo chuyên gia này, để tránh mua hớ, người mua cần lưu ý giá bán BĐS lúc “ngộp” và khi thị trường đạt đỉnh. Đồng thời, cần thẩm định kỹ pháp lý BĐS muốn mua.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích