Rơm rạ trở thành “nguồn tài nguyên có thể tái tạo” để phục vụ nông nghiệp tuần hoàn

Rơm rạ trở thành “nguồn tài nguyên có thể tái tạo” để phục vụ nông nghiệp tuần hoàn

Công nghệ sản xuất phân bón từ rơm là sự kết hợp giữa vật lý và sinh hóa để tối ưu quá trình phân hủy rơm hiệu quả và chất lượng bằng cơ giới máy trộn liên kết máy kéo đảo trộn rơm.

Ngày 29/8, tại HTX Nông nghiệp An Lỗ, Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế phối hợp với Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tổ chức tập huấn và trình diễn về công nghệ và thiết bị xử lý, sử dụng rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp tại Thừa Thiên Huế cho đại diện cán bộ ngành nông nghiệp, HTX nông nghiệp, nông hộ điển hình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trình diễn công nghệ xử lý và sử dụng rơm rạ sản xuất phân hữu cơ
Trình diễn cơ giới hóa sản xuất phân bón từ rơm rạ. Ảnh Hoài Phương

Chuyên gia khoa học cấp cao IRRI tập huấn, giới thiệu công nghệ và mô hình kinh doanh sản xuất phân bón từ rơm. Theo đó, chuyên gia IRRI giới thiệu kỹ thuật, công nghệ sử dụng, chế biến rơm rạ theo các bước cơ giới hóa ủ phân hữu cơ như: chuẩn bị luống ủ gồm rơm và phân bò, dùng máy đảo trộn luống ủ lần đầu, quá trình giữ nhiệt, thông thoáng, làm mát và quá trình thành phẩm phân hữu cơ cũng như ứng dụng thành phẩm này.

Sau khi được chuyên gia tập huấn, giới thiệu mô hình, các đại biểu được chứng kiến trình diễn cơ giới hóa sản xuất phân bón từ nguyên liệu rơm thô, tro trấu, phân bò khô, men vi sinh… và quy trình sản xuất phân bón từ rơm.

Đó là sự kết hợp giữa vật lý và sinh hóa để tối ưu quá trình phân hủy rơm hiệu quả và chất lượng bằng cơ giới máy trộn liên kết máy kéo đảo trộn rơm liên kết. Công nghệ này đã được thực hiện kiểm chứng ở Việt Nam.

Thời gian cho việc dùng rơm ủ phân hữu cơ với công nghệ này là 45 ngày, bằng một nửa so với phương thức ủ truyền thống như ủ phân thủ công hoặc dùng xe xúc.

Trình diễn công nghệ xử lý và sử dụng rơm rạ sản xuất phân hữu cơ
Sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ bằng cơ giới hóa đem lại hiệu suất cao hơn, phục vụ nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh Hoài Phương

Cả nước có khoảng 47 triệu tấn rơm rạ mỗi năm được tạo ra từ sản xuất lúa; trong đó, chỉ khoảng 50% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây…, phần còn lại chủ yếu là đốt trên đồng hoặc vùi vào ruộng.

Tại Thừa Thiên Huế, diện tích trồng lúa là 54,1 nghìn ha, ước tính lượng rơm thải ra khoảng 620 nghìn tấn rơm rạ khô/năm. Ngoài lượng phụ phẩm rơm rạ để chăn nuôi tại chỗ hay nhập cho các thương lái, phần lớn được đốt, vắt bỏ trên mặt đồng hoặc cày vùi.

Để thay đổi thói quen, phương pháp xử lý rơm rạ của người dân, buổi tập huấn và trình diễn đã giải đáp, làm rõ những hữu ích, hiệu quả của công nghệ, thiết bị và quy trình ứng dụng cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm. Từ đó, khuyến khích các nông hộ áp dụng công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ, nhằm thúc đẩy quá trình xử lý và sử dụng rơm rạ trở thành “nguồn tài nguyên có thể tái tạo” để phục vụ nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp tại Thừa Thiên Huế nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích