REFAB – Dự Án phát triển nguồn nhiên liệu sinh học từ tảo

REFAB – Dự Án phát triển nguồn nhiên liệu sinh học từ tảo

Với Dự án REFAB, sáu nhà khoa học đến từ Viện Công Nghệ và Môi trường (Hà Nội) và Đại học Công nghiệp TP.HCM mong muốn tạo ra dầu diesel sinh học (biodiesel) từ tảo.

Sáu nhà khoa học Việt Nam đang cùng nhau hợp sức trong dự án Năng lượng tái tạo từ sinh khối tảo – REFAB nhằm khám phá tiềm năng to lớn của tảo trong việc tạo nguồn nhiên liệu sinh học, góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

REFAB – Dự Án phát triển nguồn nhiên liệu sinh học từ tảo
Ảnh minh hoạ. ITN

Tảo, nguồn nguyên liệu đa năng được biết đến từ rất lâu đang trở thành tâm điểm của dự án. Ngoài khả năng cung cấp thức ăn cho người và gia súc, tảo còn có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như làm phân bón, thuốc, giấy và thậm chí nhiên liệu sinh học. Ưu điểm của tảo nằm ở khả năng chuyển đổi ánh sáng Mặt trời và CO2 thành năng lượng hóa học, tạo ra sinh khối sạch có thể chuyển hóa thành nhiều sản phẩm khác nhau.

Với Dự án REFAB, sáu nhà khoa học đến từ Viện Công Nghệ và Môi trường (Hà Nội) và Đại học Công nghiệp TP.HCM mong muốn tạo ra dầu diesel sinh học (biodiesel) từ tảo, hứa hẹn mở ra một nguồn nhiên liệu tái tạo và bền vững.

Tiến sĩ Vũ Hồng Quân, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu chia sẻ: “Dự án nảy sinh từ việc chúng tôi nhận thấy tiềm năng của tảo – tảo rất nhanh có thể tạo ra được sinh khối, tảo cũng là một trong những loài thực vật đơn giản và nhanh nhất để có thể chuyển hóa CO2 và khí thải thành sinh khối, giúp giảm phát thải khí nhà kính. Kỳ vọng của chúng tôi là hướng đến việc thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng một loại nhiên liệu tái tạo và sạch hơn”.

Quy trình sản xuất diesel sinh học bắt đầu từ việc trồng và nuôi cấy tảo, tạo điều kiện tốt nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của chúng. Tảo thu hoạch được sau đó sẽ trải qua quá trình chiết xuất lipid (chất béo), mục đích để tách các lipid trong tảo. Với những nỗ lực hướng đến giảm giá thành, nhóm nghiên cứu đã kết hợp đồng thời nhiều phương pháp để tăng hiệu suất chuyển đổi từ lipid sang diesel.

Trong một cuộc phỏng vấn, Tiến sĩ Vũ Hồng Quân giải thích, “Chúng tôi đặt trọng tâm vào việc giảm giá thành, điều này đồng nghĩa với việc sản xuất diesel sinh học với chi phí thấp hơn. Để đạt được điều này, chúng tôi áp dụng nhiều phương pháp chuyển đổi lipid sang diesel cùng một lúc, nhằm tăng hàm lượng tinh chất cao nhất có thể.”

Dự án không chỉ tìm kiếm cách giảm giá thành mà còn tập trung vào việc tìm ra loại tảo lý tưởng nhất để chuyển đổi thành nhiên liệu. Hiện nhóm đã tìm ra một số chủng tảo thích hợp, nhưng vẫn tiếp tục thử nghiệm để xác định phương án tối ưu.

“Điều quan trọng sau cùng không chỉ là sản xuất lượng lớn diesel sinh học, mà là hình thành một công nghệ lõi để chuyển đổi từ sinh khối cho đến khi có sản phẩm cuối cùng” – Tiến sĩ Vũ Hồng Quân nhấn mạnh.

Dự án REFAB đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đặt ra nhiều thách thức như tăng hiệu suất năng lượng và giải quyết vấn đề lãng phí nguyên liệu khi sử dụng diesel sinh học. Đồng thời, quy trình nuôi trồng tảo cũng đang đối mặt với những thách thức khi phát triển với quy mô lớn. Nhóm nghiên cứu hy vọng sự ủng hộ từ các bên liên quan, bao gồm cả cộng đồng dân cư và doanh nghiệp sẽ giúp dự án phát triển thành công và mang lại lợi ích to lớn cho môi trường và xã hội.

Nếu thành công, Dự án REFAB có thể đóng góp quan trọng vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, là một điểm sáng trong hành trình chuyển đổi sang nguồn nhiên liệu sạch và bền vững tại Việt Nam.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích