Rất cần một nền báo chí trách nhiệm, trí tuệ, nhân văn
Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), phóng viên Báo Điện tử Chính phủ (Cổng TTĐT Chính phủ) đã có dịp trò chuyện với nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về chủ đề: Báo chí đồng hành cùng Chính phủ thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Nhà báo Hồ Quang Lợi. Ảnh: NVCC |
Sát cánh cùng Chính phủ thực hiện “mục tiêu kép”
Xin ông cho biết một vài nhận định về đóng góp của báo chí trong việc đồng hành với Chính phủ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian gần đây, nhất là giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Có thể thấy trong các giai đoạn lịch sử, nhất là ở những thời khắc khó khăn nhất của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn khẳng định được vai trò, vị trí của mình.
Báo chí không chỉ tuyên truyền, phản ánh kịp thời, góp phần đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống mà còn là kênh thông tin hữu hiệu trong thực hiện nhiệm vụ phản biện chính sách, tiếp thu ý kiến; là cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của nhân dân gửi tới Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền.
Đặc biệt trong 2 năm 2020-2021 và đầu năm 2022, khi cả dân tộc phải căng mình chống chọi COVID-19, chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò và sức mạnh của báo chí, nhất là trong việc đồng hành với Chính phủ, các cấp chính quyền ứng phó với khó khăn, thách thức để vượt qua đại dịch. Những chỉ đạo của Chính phủ từng ngày, từng giờ, không kể ngày đêm, đều được báo chí thông tin kịp thời, chính xác với cường độ cao đến người dân và cộng đồng xã hội.
Tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, sự dấn thân của các nhà báo trong thời gian qua ở khía cạnh này.
Có thể khẳng định báo chí là một trong những lực lượng tiên phong trên tuyến đầu chống dịch COVID-19. Khi chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, báo chí cũng đã nhanh chóng đưa vào đời sống nhận thức vận hành xã hội trong hoàn cảnh mới, giúp người dân có cách ứng xử phù hợp, có cái nhìn toàn diện, đúng đắn về dịch bệnh COVID-19 trong từng giai đoạn. Từ đó tạo được đồng thuận xã hội trong thực hiện chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” – vừa kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả vừa duy trì phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng thời, qua ngòi bút của mình, các phóng viên, nhà báo, các cơ quan thông tấn, báo chí đã kịp thời thông tin và biểu dương gương người tốt việc tốt trong phòng, chống dịch; lan tỏa những tấm lòng thơm thảo cùng tình yêu thương đồng bào, đồng chí trong đại dịch… Qua đó giúp người dân yên tâm, tin tưởng và ủng hộ, hỗ trợ các cấp, các ngành vượt qua khó khăn…
Bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng thông tin, tuyên truyền về tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, báo chí cũng đã thể hiện vai trò tích cực trong việc phê phán, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều tấm gương sáng của báo chí trong vấn đề này đã được tôn vinh tại các giải thưởng danh giá của báo chí cách mạng Việt Nam như: Giải Báo chí quốc gia, Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm Vàng), Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là những giải thưởng báo chí lớn mà Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì tổ chức nhiều năm qua.
Lực lượng tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số
Trong bối cảnh hiện nay khi thông tin đang bùng nổ, mạng xã hội phát triển rất mạnh khiến đôi khi người ta lo ngại báo chí truyền thống đang mất đi tính “độc quyền” do công chúng có thể tiếp cận thông tin từ nhiều kênh khác nhau. Vậy những người làm báo đang gặp phải những thách thức như thế nào trong bối cảnh này, thưa ông?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Bên cạnh những thuận lợi do internet, mạng xã hội mang lại thì báo chí của chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức hết sức gay gắt.
Đó là mạng xã hội đang phát triển hết sức nhanh, mạnh mẽ ở mức không kiểm soát được và chính điều này đôi khi đặt báo chí vào tình trạng luôn phải “chạy theo” mạng xã hội để giải thích. Cho nên có thể xảy ra tình trạng báo chí “theo đuôi” mạng xã hội. Đây là việc hết sức nguy hại khiến báo chí có thể đánh mất vai trò khi không trở thành nguồn thông tin chủ lưu trong xã hội. Vì vậy, báo chí phải trả lời tất cả những gì mà mạng xã hội đưa lên bằng sự kịp thời, chính xác, tin cậy và trách nhiệm.
Vậy theo ông, các cơ quan báo chí cần có những đổi mới, định hướng thông tin thế nào trong xu thế chuyển đổi số hiện nay?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Theo tôi, chuyển đổi số đang trở thành một đòi hòi bức thiết của đời sống xã hội, nhất là với báo chí. Thế nên báo chí phải là lực lượng tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số trong báo chí không đơn thuần là số hóa mà phải bắt đầu từ sự đột phá tư duy. Từ đó nhận thức một cách sâu sắc việc chuyển đổi số trong báo chí là một quá trình tổng thể chứ không chỉ là số hóa mà bao gồm từ khâu quản lý, vận hành cả cơ quan báo chí đến cách chúng ta đưa thông tin ra xã hội… và làm cho chuyển đổi số trở thành một sức mạnh của báo chí.
Hiện nay, cũng mới chỉ có một số cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số nhưng kết quả bước đầu đạt được khá tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung, chuyển đổi số ở báo chí chưa đạt được mức độ cần thiết, vì vậy chúng ta còn phải nâng cao nhận thức hơn nữa về trách nhiệm trong chuyển đổi số, bởi chuyển đổi số có thành công thì báo chí mới có sức mạnh. Đây là một cách thức làm báo rất mới so với trước đây và có thể nói trong một chừng mực nào đó sẽ phải hình thành một phong cách mới, một văn hóa báo chí mới do chuyển đổi số đưa lại.
Tôi mong muốn toàn bộ hệ thống báo chí của chúng ta từ mỗi phóng viên cho đến các Tổng biên tập, tất cả các quy trình từ tiếp nhận thông tin, thực hiện và hoàn chỉnh, lan tỏa thông tin ra toàn xã hội đều được số hóa triệt để.
Nếu chuyển đổi số chỉ là vấn đề riêng của báo chí thì chúng ta sẽ không triển khai được ở mức độ cần thiết. Báo chí rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp. Ở đây chuyển đổi số liên quan đến 2 vấn đề rất lớn, đó là con người và công nghệ. Công nghệ gắn với thiết bị, con người gắn với đào tạo, cho nên cần đào tạo được cán bộ và người làm báo đáp ứng được trình độ làm báo trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, cả về tư duy, cách thức tác nghiệp cũng như khai thác và sử dụng công nghệ.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần được đầu tư hệ thống trang thiết bị cần thiết để có thể ứng dụng được thành tựu về khoa học công nghệ để làm báo. Con người và công nghệ là những yếu tố quan trọng góp phần chuyển đổi số thành công trong hoạt động báo chí.
Nhưng theo tôi, dù công nghệ có phát triển như thế nào thì “nội dung vẫn là hồn cốt của báo chí”. Chính vì vậy, các nhà báo cần tập trung nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí và chuyển tải trên các nền tảng công nghệ để phát huy tối đa tác dụng.
Cổng TTĐT Chính phủ – kênh thông tin đầu nguồn
Thưa ông, kể từ khi hòa mạng Internet toàn cầu vào năm 2006 đến nay, Cổng TTĐT Chính phủ đã trở thành kênh cung cấp thông tin chính thống của Chính phủ trên Internet. Vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của Cổng TTĐT Chính phủ trong việc góp phần tuyên truyền chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như định hướng thông tin dư luận?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Cổng TTĐT Chính phủ là kênh cung cấp thông tin hết sức quan trọng, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mang lại nhiều tiện ích cho các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, hình thành nhịp cầu trực tuyến gắn bó mật thiết Chính phủ với nhân dân.
Những nội dung được đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ rất đa dạng, phản ánh nhanh, kịp thời toàn bộ hoạt động của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Các thông tin nhanh, chính xác, thể hiện tính minh bạch trong điều hành của Chính phủ.
Ngoài thông tin chỉ đạo, điều hành, Cổng TTĐT Chính phủ cũng tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tọa đàm trực tuyến; chương trình “Chính phủ với người dân”; cập nhật, đăng tải nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, điều hành.
Cùng với đó, Cổng TTĐT Chính phủ hiện đang vận hành trang fanpage Thông tin Chính phủ với hơn 3,4 triệu lượt theo dõi; Zalo thông tin Chính phủ với xấp xỉ 10 triệu người theo dõi;… Điều đó cho thấy thông tin từ Cổng TTĐT Chính phủ hết sức có giá trị vì là thông tin đầu nguồn nên cực kỳ đáng tin cậy. Do đó những thông tin do Cổng đưa ra có thể nói giành được sự tin tưởng tuyệt đối của các tầng lớp nhân dân. Những thông tin đó vô cùng cần thiết.
Tôi xin nhấn mạnh thêm là trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Cổng TTĐT Chính phủ đã làm rất tốt việc truyền thông về chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội đến với người dân trong những lúc khó khăn nhất, góp phần củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Chính phủ.
Bên cạnh đó, Báo Điện tử Chính phủ thuộc Cổng TTĐT Chính phủ là một cơ quan báo chí lớn, một tờ báo điện tử mạnh; thực hiện cung cấp thông tin chính thống về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp… đáp ứng được nhu cầu thông tin của nhân dân.
Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên… của Báo Điện tử Chính phủ, Cổng TTĐT Chính phủ cũng luôn thể hiện được sự năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp. Từ những thông tin có tính chất chỉ đạo, điều hành nhưng bằng ngòi bút sắc nét của mình, các phóng viên, biên tập viên đã biến những thông tin đó trở nên dễ hiểu, giúp người dân tiếp cận một cách thuận lợi nhất, nhanh nhất, chính xác nhất.
Người làm báo cần ý thức rõ trách nhiệm của mình
Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, ông muốn nói gì với các nhà báo, phóng viên, biên tập viên để họ thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn nữa trong tình hình mới?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Báo chí Việt Nam đang trải qua một cuộc chuyển mình hết sức mạnh mẽ và xuất sắc về phong cách làm nghề, cách thức làm nghề. Tôi nghĩ rằng cách thức làm nghề có thể khác, trong đó có vấn đề về chuyển đổi số, việc các cơ quan báo chí tập trung xây dựng tòa soạn hội tụ và đa phương tiện. Đây là xu hướng không thể đảo ngược của báo chí Việt Nam nói riêng, báo chí thế giới nói chung.
Mỗi tòa soạn và mỗi người làm báo cần chủ động tiếp cận và sử dụng hiệu quả công nghệ truyền thông vào tác nghiệp báo chí, từ khâu thu thập thông tin, sản xuất nội dung cho đến việc phát hành nội dung trên các nền tảng khác nhau.
Đấy là một cách thức làm nghề mới và sẽ có sản phẩm báo chí mới theo kiểu mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Nhưng dù cho cách thức làm nghề có thể khác nhưng lý tưởng làm nghề và đạo đức làm nghề thì không thể khác. Chúng ta làm nghề với phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý, lẽ phải và ý nghĩa thiêng liêng của nghề báo là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Do đó mỗi người làm báo phải ý thức rất rõ trách nhiệm của mình.
Báo chí không thể nào chạy đua được với mạng xã hội về tốc độ đưa tin nhưng phải vượt trội mạng xã hội về tính thuyết phục, độ tin cậy bằng tính chuyên nghiệp, tính trách nhiệm và đạo đức làm nghề của người làm báo.
Bên cạnh việc chúng ta có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao trong thời đại công nghệ số nhưng chúng ta vẫn phải luôn nêu cao đạo đức làm nghề. Đạo đức làm nghề là vấn đề cốt lõi, là nền tảng của hoạt động báo chí. Nếu không có đạo đức làm nghề, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành trách nhiệm của báo chí đối với xã hội.
Theo tôi, xã hội có rất nhiều thông tin, đôi khi tới mức hỗn loạn, trong bối cảnh đó, người dân rất cần những thông tin đích thực, chính xác, bổ ích và đó là điều mà một nền báo chí trách nhiệm, trí tuệ, nhân văn phải làm được.
Không chỉ vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục bồi đắp một nền báo chí vừa giàu tính chiến đấu vừa rất nhân văn. Tính chiến đấu, tính nhân văn luôn luôn song hành với nhau hoặc hòa vào nhau để làm nên một nền báo chí nhân văn, một nền báo chí cách mạng và một nền báo chí chuyên nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo xây dựng