Rào cản trong chuyển đổi số tại Việt Nam
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế số Việt Nam từ con số 18 tỷ USD năm 2021 và dự kiến tăng lên 23 tỷ USD vào năm 2022. Nền kinh tế số Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ tăng trưởng, trong đó có 90% người dùng số dự định duy trì, thậm chí gia tăng tiêu dùng thương mại điện tử.
Dự kiến nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022-2025. Cùng đó, nền kinh tế số Việt Nam có nhiều tín hiệu rõ nét hơn khi sau đại dịch, với hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) quan tâm đến chuyển đổi số so với con số chỉ 30-40% trước đại dịch.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số cho biết Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á trong thị trường tăng trưởng dài hạn của những quỹ đầu tư mạo hiểm với 83% quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn. Nhiều ngành thu hút vốn lớn là công nghệ tài chính (Fintech), game, y tế, thương mại điện tử…
Ảnh minh hoạ
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo vốn đầu tư vào startup Việt Nam năm 2022 có thể đạt 2 tỷ USD, tăng 33% so với năm ngoái. Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế số với cơ cấu dân số trẻ, GenZ (nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012) và Gen Alpha (nhóm người được sinh ra từ sau năm 2010) chiếm trên 42%.
Với hai trong số các trụ cột chính giúp nắm bắt tiềm năng chuyển đổi số là phát triển hệ sinh thái công nghệ và đào tạo kỹ năng số cho người lao động, sinh viên…, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng mục tiêu đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số và linh hoạt được xác định là hai từ khóa giúp doanh nghiệp nhanh chóng ứng biến trong từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao cũng như khó khăn trong thay đổi thói quen là hai rào cản hàng đầu trong chuyển đổi số.
Kết quả khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (Vinasa), tỷ lệ doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chiếm khoảng 15%; trong đó có 99% SMEs gặp khó khăn về vốn nên thường coi chuyển đổi số là “sân chơi” dành riêng cho các “ông lớn.”
Chính vì vậy, bài toán được đặt ra ở đây là doanh nghiệp cần thích ứng như thế nào, ứng dụng giải pháp, công nghệ gì, xây dựng nguồn lực ra sao để duy trì ổn định và tạo tiền đề cho sự tăng trưởng đột phá thông qua chuyển đổi số.
Bảo Lâm