Rạng rỡ những nụ cười xinh tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An
Sau gần 2 giờ di chuyển chúng tôi đến nơi và nhanh chân lên tầng 2 khu hội trường của Trung tâm. Màu áo cam rực rỡ của các em thiếu nhi cùng những gương mặt ngây thơ làm cho bất kỳ một trái tim sắt đá nào cũng phải rộn lên những nhịp thổn thức.
Tôi chững lại vài giây nhìn từng khuôn mặt, độ tuổi từ vài tháng cho đến mười mấy tuổi đều có. Dẫu biết rằng khi bước vào đây mỗi em đều mang trên mình một vài khiếm khuyết nhưng cũng chẳng thể nào ngăn nổi trong ánh mắt những “mầm non” sự vui tươi và hào hứng.
Chương trình thiện nguyện ấm áp được tổ chức với sự góp mặt của Đoàn Thanh niên Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chất lượng Việt Nam; Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An cùng nhóm Thiện nguyện Duyên Lành, Tâm An, Hoa Thần Vũ… đặc biệt là sự có mặt của 100 em thiếu nhi khuyết tật, cũng là nhân vật chính của chương trình. Nhạc vang lên, tiếng vỗ tay reo hò, tiết mục văn nghệ mà các em háo hức chuẩn bị bấy lâu nay cũng bắt đầu được trình diễn.
Là một người yêu nghệ thuật nên tôi cảm nhận sâu sắc niềm hạnh phúc của các em khi bước lên sân khấu. Sự chuyên nghiệp trong hành động và rạng rỡ trên khuôn mặt làm chúng tôi vỡ òa cảm xúc khi biết rằng các em đều khiếm thính và không nghe được bất kỳ tiếng nhạc hay âm thanh nào. Vậy mà những “nghệ sĩ nhí” lại biểu diễn nhịp nhàng như chưa từng có bất kỳ khiếm khuyết nào tồn tại trong không gian âm nhạc ấy.
Trong lúc đang mải miết chụp ảnh, tôi vô tình lia máy sang phía đại biểu. Lọt vào ống kính là đôi mắt đầy hạnh phúc khi nhìn các em nhận quà của bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Tân – Quyền Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An. Bác sĩ Tân cho biết đã về làm việc tại đây từ những năm 2000 và gắn bó cho đến ngày hôm nay.
“Trung tâm được thành lập ngày 27/7/1976 (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tiền thân là Trung tâm phục hồi chức năng lao động con liệt sĩ. Hiện tại Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho 220 trẻ em bị khuyết tật, phần lớn là con em hộ nghèo dân tộc vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, Trung tâm cũng chăm sóc, nuôi dưỡng điều trị, phục hồi chức năng cho trên 30 người trưởng thành và người cao tuổi không may bị bệnh và để lại tật.
Trải qua gần 50 năm thành lập, Trung tâm đã điều trị, phục hồi chức năng và giáo dục dạy nghề cho hàng ngàn con em bị khuyết tật của 27 tỉnh, thành phía Bắc. Nhiều em trưởng thành và trở thành công dân có ích cho xã hội. Nhiều em sau khi phục hồi chức năng tại đây đã trở về học tiếp lên trung cấp, cao đẳng, đại học, có em đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ”, bác sĩ Tân chia sẻ.
Tại chương trình, những món quà ý nghĩa là vật dụng phục vụ cuộc sống như: xe lăn, cặp sách, kệ để đồ, màn, chiếu, gối,… cho đến những thực phẩm cần thiết hàng ngày như: gạo, nước mắm, dầu ăn, vitamin, sữa, xà phòng, bánh kẹo… đều được chuẩn bị chu đáo. Đoàn thiện nguyện còn tổ chức nấu 240 suất ăn cho các em, chơi trò chơi nhằm thử thách phản ứng linh hoạt và tạo sự gắn kết trong Trung tâm.
Giữa lúc các em đang vui vẻ ăn trưa, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân với dáng người gầy, mái tóc điểm bạc vẫn miệt mài dẫn đội phóng viên chúng tôi lên thăm quan khu vực học nghề của các em thiếu nhi khuyết tật. Chúng tôi đi hết từ bất ngờ này sang ngỡ ngàng khác khi tận mắt trông thấy những sản phẩm chỉn chu do các em làm ra.
Phải chăng dù các em có bị khiếm khuyết phần nào đó trên cơ thể nhưng trái tim vẫn cảm nhận rõ yêu thương từ những bàn tay chăm sóc, hướng dẫn học nghề của các cán bộ tại Trung tâm nên mới làm ra được những sản phẩm đẹp đẽ đến thế? Câu trả lời có lẽ đã quá rõ ràng…
Kể về những ấn tượng trong hơn 20 năm công tác, bác sĩ Tân chia sẻ: “Khoảng những năm 2004 -2005, tôi có đưa các em khuyết tật ra bệnh viện tuyến trên để khám và điều trị sau khi các em bị chấn thương cần phẫu thuật chỉnh hình. Tại đây, các bệnh nhân đang xếp hàng chờ tới lượt khám bệnh đã không ngần ngại ưu tiên cho các em bé tại Trung tâm vào khám trước, điều này thể hiện sự ghi nhận và yêu thương của cả xã hội dành cho trẻ em khuyết tật nói riêng cũng như các cán bộ, bác sĩ tại Trung tâm nói chung.
Một lần nữa khi tôi đưa các em ra Bệnh viện Quân Y 105 để khám và phẫu thuật, bác sĩ tại bệnh viện đã xuống thăm và nói rằng đây cũng là trách nhiệm của các bác sĩ nơi đây. Thực tế, khi các em xuống Trung tâm điều trị, phục hồi chức năng, bố mẹ các em sẽ yên tâm đi làm nương rẫy để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời cũng chính là những người chiến sĩ biên phòng bảo vệ biên cương của Tổ quốc”.
Bà Phạm Thị Nhung – đại diện nhóm thiện nguyện Duyên Lành cũng chia sẻ niềm hân hoan khi đồng tổ chức chương trình thiện nguyện tại Trung tâm Thụy An: “Thiện nguyện như những đóa hoa thơm làm đẹp cho đời. Chúng tôi chỉ mong rằng mắt còn sáng, chân còn khỏe để tiếp tục đi, mang yêu thương đến với những hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền đất nước”.
Chương trình kết thúc thành công, chúng tôi ra về dưới cơn mưa lất phất. Một bàn tay nhỏ xinh vẫn níu áo như muốn nói: “Ở đây chơi với chúng em”.
Nhiều thành viên trong Đoàn cũng đã kịp sắm cho mình những chiếc túi, chiếc làn được làm thủ công khéo léo bởi các em thiếu nhi khuyết tật Thụy An.
Tôi ngồi đây viết những dòng này và thầm cảm ơn cuộc đời đã mang đến cơ duyên để chúng ta được gặp gỡ, hiểu và trân trọng hơn những giá trị thật của cuộc sống!
Ngọc Xen