Rằm tháng 7 đặc biệt ở Thủ đô

Rằm tháng 7 trong văn hóa người Việt

Lễ Vu Lan và lễ cúng Cô hồn là một trong những nét đẹp trong tập tục, tín ngưỡng của Việt Nam. Theo tín ngưỡng cổ truyền, nhiều người vẫn cho rằng lễ Vu Lan và cúng Cô hồn là một, song thực tế, đây là hai ngày lễ hoàn toàn độc lập.

Với ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, đền ơn báo hiếu, Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, làm tròn bổn phận người con luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ.

Lễ cúng Cô hồn là để bố thí cho những vong hồn không nơi nương tựa, không ai thờ cúng, những kẻ bị chết đường, chết chợ mà không được đưa đến cõi tốt hơn. Theo tín ngưỡng cổ truyền, vào dịp tháng 7 hàng năm, (từ ngày 2/7 Âm lịch), Diêm Vương ra lệnh mở Quỷ Môn Quan và đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc.

Rằm tháng 7 đặc biệt ở Thủ đô
Mâm cúng lễ gia tiên của một gia đình

Khoảng thời gian này là các ngày “mở cửa địa ngục”, các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế, vảng vất khắp nhân gian. Vì tin là ngày “mở cửa địa ngục” ân xá cho vong linh nên dân gian sắm cỗ cúng các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa để được bình an, ma quỷ không quấy phá.

“Ngày Rằm tháng 7 Âm lịch được gọi là ngày “Báo hiếu cha mẹ” tức lễ Vu Lan, và cũng là ngày “Xá tội vong nhân” tức lễ cúng Cô hồn. Hai ngày lễ này gắn với hai sự tích khác nhau, tuy nhiên lại tổ chức vào một ngày khiến nhiều người nhầm lẫn”, anh Nguyễn Tiến, chuyên gia nghiên cứu bộ môn Huyền Học chia sẻ.

Trong ngày Rằm tháng 7, việc cúng Vu Lan báo hiếu tại tư gia nên thực hiện theo các khóa lễ sau: cúng Phật, cúng Thần linh, cúng Gia tiên, sau cùng là cúng thí thực chúng sinh. Đối với bàn cúng Phật cần chuẩn bị mâm cỗ chay gồm xôi đỗ, giò chay, nem chay, canh nấm hoặc mâm ngũ quả đơn giản, thường được thụ lộc ngay tại nhà khi đã cúng xong.

Rằm tháng 7 đặc biệt ở Thủ đô
Vàng mã thường được dùng trong ngày Rằm tháng 7 hàng năm

Lễ cúng gia tiên thường chuẩn bị mâm cỗ mặn gồm gà lễ cánh tiên, xôi vừng dừa, nem rán, giò lụa, nộm gà kèm theo trái cây, hoa cúng, rượu, nhang. Lễ cúng chúng sinh cần chuẩn bị muối gạo, cháo trắng nấu loãng, hoa quả, quần áo hàng mã, tiền vàng và thời gian hợp lý nhất là chiều tối vì đây là lúc các vong linh trên đường về địa ngục. Đây là hai ngày lễ mang giá trị nhân văn trong văn hóa Việt Nam, thể hiện tinh thần đền ơn, đáp nghĩa, tương thân tương ái với cả những linh hồn đã khuất…

Anh Nguyễn Tiến cho biết: “Thực ra về việc xấu hay tốt còn do nhiều quan điểm. Theo quan điểm cá nhân, thì tôi thấy câu hỏi này lại có phần thiên về Phong thủy hơn là Tâm linh. Tháng Giêng – tức tháng Dần, là khởi đầu của mùa xuân Mộc vượng, còn tháng 7 – tức tháng Thân lại bắt đầu chớm sang mùa thu và khí Kim vượng, như các bạn thấy đó là vì sao mùa xuân cây cối đâm chồi nẩy lộc sinh sôi, trong khi mùa thu Kim vượng nên Mộc sẽ suy, đó là lý do mùa thu thường cây sẽ bắt đầu rụng lá, để tích lũy qua mùa đông Thủy vượng, và đến mùa xuân lại quay về là mùa của Mộc, khép kín 1 vòng tuần hoàn như vậy”.

Phòng, chống dịch là trên hết

Rằm tháng 7 là một hoạt động cúng bái thường niên song hiện nay, trong bối cảnh trong nước và thế giới đang căng mình chống dịch, lễ cúng bị ảnh hưởng là điều tất yếu.

Thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, người dân Hà Nội chỉ được ra khỏi nhà trong trường hợp thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc thang… Và điều đương nhiên, vàng mã là vật phẩm không cần thiết nên việc mua bán đáp ứng nhu cầu tâm linh sẽ gặp khá nhiều khó khăn.

Chưa bao giờ trong ngày Rằm tháng 7, những tuyến phố đông đúc, náo nhiệt như phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) lại vắng vẻ, im lìm đến thế. Các cửa hàng đều đóng cửa phục vụ cho công tác chống dịch, chỉ còn lác đác vài cửa hàng mở hé để dọn dẹp.

Rằm tháng 7 đặc biệt ở Thủ đô
Tất cả cửa hàng kinh doanh vàng mã trên phố Hàng Mã đều đóng cửa để phòng, chống dịch

Một số cửa hàng dán số điện thoại để khách hàng có thể liên lạc trong trường hợp cần thiết, song dù liên lạc được thì việc vận chuyển sẽ rất nan giải vì shipper chỉ phục vụ trao chuyển tại hệ thống siêu thị, chợ truyền thống và các chốt kiểm dịch rất chặt chẽ để hạn chế người dân đi lại.

Đối với công tác dịch phòng, chống Covid-19, lãnh đạo các cấp địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân cần tuân thủ quy định nghiêm ngặt của Chỉ thị 16, vì tháng 7 Âm lịch, nhu cầu mua hàng mã của người dân khá cao.

Theo một cán bộ Công an phường Hàng Mã, những ngành hàng không có trong danh mục theo công điện của Thành phố thì không được kinh doanh. Và vàng mã thì không có trong danh mục này, cũng không phải mặt hàng thiết yếu. Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị cũng thường xuyên nhắc nhở, vận động bà con nghiêm túc thực hiện theo đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ…

Rằm tháng 7 đặc biệt ở Thủ đô
Những mặt hàng vàng mã “hợp thời trang” năm nay đã không đến được với tay người dân

Thờ cúng tổ tiên, cúng bái cho các vong linh được yên an đã trở thành truyền thống tốt đẹp, song trong lúc cả đất nước cần chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh, sức khỏe của bản thân, xã hội và sự hồi phục của đất nước là điều đáng quan tâm nhất.

Lúc này, mỗi người cần hy sinh nhu cầu cá nhân để vì cái chung của đất nước vì chỉ một phút chủ quan, lơ lờ, mọi công sức của toàn Đảng, toàn dân sẽ trở về với con số không tròn trĩnh, các hệ thống y tế sẽ quá tải, gây thiệt hại với sức khỏe và nền kinh tế của đất nước. Thờ cúng là nhu cầu chính đáng, nhưng tuân thủ theo pháp luật là nhiệm vụ cần đặt lên hàng đầu.

Đây là ngày Rằm tháng 7 đặc biệt nhất từ trước tới giờ, các chùa không tổ chức long trọng Đại lễ Vu Lan báo hiếu, cũng khó tránh khỏi việc thiếu đồ cúng do sự hạn chế của dịch bệnh, song ý thức phòng, chống dịch dịch và tấm lòng chân thành là điều trân quý hơn cả.

Hải Thủy

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích