Rác thải y tế vứt bỏ tuỳ tiện nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng
Rác thải y tế vứt bỏ ngổn ngang ở một số nơi
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc yêu cầu kiểm tra, báo cáo về phản ánh tình trạng ô nhiễm rác thải ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Theo đó, trước mắt các đơn vị chức năng sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La vào cuộc kiểm tra, tổng hợp và báo cáo về những thông tin mà báo chí phản ánh.
Trước đó, VietNamNet phản ánh về bãi rác thải sinh hoạt chất cao như núi, chủ yếu là rác thải vô cơ, khó tiêu hủy đang gây mùi xú uế nồng nặc. Tại đây, nước rỉ rác chưa được xử lý dứt điểm gây mùi khó chịu, về lâu dài có thể còn ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.
Bãi rác lộ thiên này phát tán mùi hôi thối đến các khu vực xung quanh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làm đảo lộn cuộc sống của cư dân tiểu khu 14, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu. Vào thời điểm đầu tháng 6, lượng chất thải rắn ở đây đã đến mức quá tải. Khu vực bãi đổ thải không có tường rào bảo vệ và chỉ cách khu vực sinh sống của người dân vài chục mét.
Được biết, việc thu gom, xử lý rác trên địa bàn huyện Mộc Châu hiện nay do Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La thực hiện. Theo thống kê, mỗi ngày, toàn huyện Mộc Châu có khoảng trên 40 tấn rác sinh hoạt.
Báo Thanh Niên cũng ghi nhận trên mảnh đất trống ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh không biết từ đâu xuất hiện đầy rác thải y tế. Từ chai lọ, ống dẫn chuyền bằng nhựa nằm ngổn ngang xếp chồng lên nhau với độ cao gần 2m. Người dân ở đây không biết rác thải y tế xuất hiện từ bao giờ.
Trước đó, tại bãi rác xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cũng xuất hiện rất nhiều rác thải y tế, trong số này còn có cả bơm kim tiêm đã qua sử dụng, hàng trăm lọ thuốc bằng thủy tinh, ống xét nghiệm và một lượng lớn dây truyền dịch, bơm, kim tiêm, băng gạc y tế… Theo tìm hiểu, bãi rác xã Đắk Lao nằm trên quốc lộ 14C, là bãi rác tập trung của huyện Đắk Mil được đưa vào sử dụng từ năm 2011 với diện tích 2,8ha.
Quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế
Theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế thì chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tai thời điểm phát sinh; Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa (trừ chất thải lây nhiễm sắc nhọn); Trường hợp chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm và tiếp tục thực hiện quản lý theo tính chất của chất thải sau xử lý.
Vị trí đặt bao bì, dụng cụ phân loại chất thải: Tại khoa, phòng, bộ phận: bố trí vị trí phù hợp, an toàn để đặt bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa để phân loại chất thải y tế; Tại vị trí đặt bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa phải có hướng dẫn cách phân loại và thu gom chất thải.
Phân loại chất thải lây nhiễm: Chất thải lây nhiễm sắc nhọn phải bỏ vào trong thùng hoặc hộp kháng thủng và có màu vàng; Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng; Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng; Chất thải giải phẫu bỏ vào trong 2 lần túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng; Chất thải lây nhiễm dạng lỏng: chứa trong túi kín hoặc dụng cụ lưu chứa chất lỏng và có nắp đậy kín.
Chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa đối với các chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp; Chất thải nguy hại không lây nhiễm ở dạng rắn: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu đen; Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng lỏng: chứa trong dụng cụ lưu chứa chất lỏng có nắp đậy kín, có mã, tên loại chất thải lưu chứa.
Chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu xanh. Chất thải sắc nhọn đựng trong dụng cụ kháng thủng; Chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu trắng.
Phân loại chất thải lỏng không nguy hại phải chứa trong dụng cụ đựng chất thải lỏng có nắp đậy kín, có tên loại chất thải lưu chứa.
Thu gom chất thải lây nhiễm thì các cơ sở y tế quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế; Dụng cụ thu gom chất thải phải bảo đảm kín, không rò rỉ dịch thải trong quá trình thu gom; Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín.
Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ ở gần nơi phát sinh chất thải để loại bỏ mầm bệnh bằng thiết bị khử khuẩn. Đối với cơ sở y tế không có thiết bị khử khuẩn chất thải, trước khi thu gom túi đựng chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi và bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ LÂY NHIỄM CAO”, được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải lây nhiễm để xử lý hoặc chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định;
Chất thải lây nhiễm dạng lỏng thu gom vào hệ thống thu gom nước thải y tế của cơ sở y tế và quản lý theo quy định về quản lý nước thải y tế; Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg trong một ngày, chất thải lây nhiễm được thu gom với tần suất tối thiểu một lần một ngày, chất thải lây nhiễm sắc nhọn được thu gom tối thiểu là một lần một tháng.
An Dương (T/h)