Rác thải nhựa trong ngành nuôi trồng thuỷ sản đang là điều đáng quan tâm
Rác thải nhựa trong ngành nuôi trồng thuỷ sản đang là điều đáng quan tâm
Theo dõi MTĐT trên
Vấn đề rác thải nhựa trong ngành nuôi trồng và chế biến thuỷ sản đang là điều đáng quan tâm. Hiện nay, rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn, ngày càng ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, tác hại đến các sinh vật biển và đại dương.
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản phát triển mạnh, kim ngạch xuất khẩu hàng năm mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho nền kinh tế địa phương và nguồn thu nhập lớn cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự phấn khởi đó, vấn đề rác thải nhựa trong ngành nuôi trồng và chế biến thuỷ sản đang là điều đáng quan tâm. Hiện nay, rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn, ngày càng ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, tác hại đến các sinh vật biển và đại dương.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau (NN&PTNT), toàn tỉnh có khoảng 280 ngàn héc-ta nuôi tôm, trong đó có trên 6.266 ha với 7.715 hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, phần lớn diện tích này đều dùng bạt trải đáy ao. Ngoài ra, chai lọ thuốc, hoá chất, vi sinh; lưới che ao; bao bì thức ăn; túi đựng con giống; cánh quạt và hệ thống sục khí… đều là những loại rác thải nhựa khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên, đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ con người nếu như không được thu gom, xử lý và tái chế.
“Hiện nay tuy chưa thống kê lượng rác thải nhựa trong nuôi tôm thải ra môi trường tự nhiên hàng năm. Nhưng chắc chắn con số này không nhỏ, bởi hiện nay mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đang phát triển mạnh tại nhiều nơi, đồng nghĩa rác thải nhựa ngày càng gia tăng trong thời gian tới”, ông Bằng cho biết.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra biển dao động từ 0,28-0,373 triệu tấn/năm, trong đó có lượng lớn chất thải nhựa trong nuôi trồng thuỷ sản thải ra. Tuy nhiên, việc thu gom, tái chế loại chất thải này đang là vấn đề nan giải.
Theo nhiều đề tài nghiên cứu của các chuyên gia, ước tính có từ 70-80% rác thải nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền thải ra; phần còn lại là rác nhựa thải trực tiếp ra biển, chủ yếu từ các hoạt động đánh bắt hải sản như: ngư cụ bị hư hỏng bỏ lại biển, vật dụng nuôi trồng thuỷ sản không còn sử dụng… gây ô nhiễm trên đại dương, ảnh hưởng lớn đến các sinh vật biển.
Theo bà Bùi Thị Thu Hiền, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN),, ngành hàng tôm là 1 trong 4 trụ cột mà Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam từng bước hướng tới giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên thực tế, vấn đề về chất thải nhựa nói chung và tình trạng phát thải trong chuỗi ngành hàng tôm Việt Nam nói riêng đang trở thành điểm nóng, mối nguy hại đối với môi trường, đồng thời cũng là thách thức với việc đáp ứng các rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu khó tính như châu Âu.
“Giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương không chỉ liên quan đến ngành thuỷ sản mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Ðặc biệt, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về rác thải nhựa của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết, để thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”, bà Hiền chia sẻ.
Trước thực trạng rác thải nhựa đối với hoạt động nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, ngày 5/2/2021, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thuỷ sản, giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu của kế hoạch hành động là hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thuỷ sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông – ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn.
Các chuyên gia khuyến cáo, rác thải nhựa sẽ lắng lại dưới đáy biển, những vụn nhựa khi cá ăn vào không chỉ gây nguy hiểm cho cá, tôm mà còn gây mất an toàn thực phẩm cho con người khi ăn những hải sản này. Do vậy, rác thải nhựa từ ngành thuỷ sản cần phải được thu gom và xem như một dạng tài nguyên cần tái chế, tái sử dụng mang tính sản xuất tuần hoàn theo hướng bền vững. Khi làm được vấn đề này, một phần mang lại thu nhập cho người dân và lợi nhuận cho doanh nghiệp, một phần giảm thải ô nhiễm nhựa trên đại dương, giảm tác hại đến các sinh vật biển./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị