Rà soát ngay các chính sách để thúc đẩy tăng trưởng GDP
Chiều 3/4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, phóng viên đặt câu hỏi về việc Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý 1/2023 cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011 – 2023.
Đây là mức gần thấp nhất trong 13 năm qua và thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra, vậy Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp nào để góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP trong năm 2023 như dự kiến.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tăng trưởng GDP quý 1/2023 không đạt được như dự kiến là phản ánh đúng thực tế cũng như những đánh giá của chúng ta khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 trong bối có nhiều khó khăn, thách thức đan xen và những khó khăn còn lớn hơn những gì dự kiến.
Trong đó phải kể đến tình hình khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát còn tăng cao, các chính sách thắt chặt tiền tệ… tất cả đều tác động đến nền kinh tế nước ta khi có độ mở cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tăng trưởng GDP của nước ta vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới. |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tăng trưởng GDP của nước ta vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Đây là mức ghi nhận khách quan và chúng ta cần phải tập trung khắc phục những khó khăn thách thức hiện nay. Để đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra, chúng ta phải nỗ lực rất lớn để bù đắp lại những gì mà quý I/2023 chưa đạt được.
Về các giải pháp tư nay đến cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô – nền tảng để quyết định mọi thứ – cùng với các giải pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong các giải pháp về vĩ mô thì có 2 chính sách trọng tâm chúng ta cần phải triển khai linh hoạt, hiệu quả, thận trọng trong việc điều hành, đó là chính sách tài khóa và tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chịu nhiều tác động của nền kinh tế thế giới. Điều này giúp chúng ta vừa bảo đảm chống chọi với các khó khăn từ bên ngoài, vừa bảo đảm cung cấp đủ nguồn lực cho nền kinh tế phát triển.
Cùng với đó, cần rà soát ngay các chính sách còn lại để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó lấy tăng trưởng của khu vực thuận lợi để bù đắp lại khu vực gặp khó khăn. Theo phân tích của Tổng Cục thống kê, khu vực chế biến – chế tạo gặp nhiều khó khăn khi tăng trưởng âm, vì thế các động lực còn lại phải hỗ trợ, ví dụ như phát triển nông nghiệp như trụ đỡ cho nền kinh tế, rồi lĩnh vực dịch vụ cũng tăng trưởng rất tốt có thể hỗ trợ cho lĩnh vực công nghiệp.
Theo Tổng Cục thống kê thì đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân tuy có giảm nhưng vẫn tăng trưởng dương. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của đầu tư công và Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công – giải pháp then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước khi xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh các giải pháp chung theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP về phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Vì thế, các địa phương cần thành lập các Tổ hỗ trợ doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp ngay từ cơ sở. Trong đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải là Tổ trưởng tổ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tại địa phương của mình.
“Có như vậy chúng ta mới có thể vượt qua được những khó khăn ban đầu của quý I/2023 để đạt được những mục tiêu hằng tháng, hằng quý. Bởi nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành cũng như mỗi địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị quyết Chính phủ phiên họp thường kỳ, trong đó đưa ra các giải pháp cụ thể và phân công rõ trách nhiệm từng đơn vị khi triển khai”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô