Quyết tâm xóa bỏ chợ “cóc”, chợ tạm

Giải tỏa chợ “cóc”, chợ tạm để phòng, chống dịch

Xác định các chợ “cóc”, chợ tạm là nơi có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao vì không được kiểm soát chặt chẽ, ngày 11/5, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành công văn số 1408/UBND-KGVX, yêu cầu chính quyền các quận, huyện, thị xã giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Trên địa bàn Thành phố hiện nay có khá nhiều chợ “cóc”, chợ tạm hoạt động, kể cả ở nơi đã có và nơi chưa có chợ dân sinh, siêu thị để cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân. Việc xử lý chợ tạm, chợ “cóc” từng được ví như “bắt cóc bỏ đĩa”, giải tỏa xong không lâu sau lại tái họp, hoặc giải tỏa ở nơi này thì lại hình thành ở nơi khác.

Quyết tâm xóa bỏ chợ “cóc”, chợ tạm
Chợ tạm họp gây mất trật tự giao thông. (Ảnh chụp thời điểm chưa giãn cách)

Ghi nhận tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, mặc dù đã có chợ dân sinh, nhưng đã vài năm nay, người dân vẫn bán hàng hai bên con ngõ 45 phố Tứ Liên, ngõ 200 đường Âu Cơ. Hoạt động mua bán này không chỉ khiến việc đi lại khó khăn, chật chội mà sau khi chợ tan, con ngõ trở nên nhếch nhác bởi rác thải, nước thải. Trước khi Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng tự quản của phường Tứ Liên cũng ra quân nhắc nhở, giải tỏa, nhưng gần như cứ sau khi lực lượng này đi, “chợ” lại “tái họp”. Đến khi có chỉ đạo của Thành phố về việc giải tỏa để phòng, chống dịch, cũng như nhiều nơi khác, tình trạng mua bán lộn xộn này mới bị cấm hoàn toàn.

Chị Nguyễn Vân Anh, trú tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, cho hay, ngõ 31 phố Xuân Diệu, phường Quảng An vốn đã khá nhỏ hẹp càng trở nên chật chội với vài chục hàng quán thường xuyên bày bán hai bên đường. Khi thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động kinh doanh này bị cấm, nhiều người dân trong ngõ chúng tôi phấn khởi vì đường xá thông thoáng, sạch sẽ hơn hẳn.

Còn tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, hiện chưa có chợ dân sinh, mà chỉ có 3 chợ “cóc”, chợ tạm hoạt động hàng chục năm nay, bán các mặt hàng thiết yếu. Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, bà Nguyễn Thị Nam – Chủ tịch UBND xã Đặng Xá, cho biết, UBND xã thông báo đã tiến hành giải tỏa các chợ tạm, chợ cóc để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trước khi tiến hành giải tỏa, UBND xã thông báo cho các hộ dân bán hàng tại chợ “cóc”, chợ tạm biết trước 1 tháng, và giao cho lãnh đạo các thôn tuyên truyền, vận động bà con biết chủ trương của Thành phố để tự nguyện dỡ bỏ lán, bạt mang về. Sau đó, UBND xã ra quân trong 1 buổi, giải tỏa hoàn toàn chợ “cóc” gốc Bàng và chợ tạm ở thôn Đổng Xuyên. Các hộ dân bán hàng hiện nay mang hàng hóa về bán tại cửa hàng ở nhà, đảm bảo giãn cách, phòng, chống dịch bệnh, chứ không bán tập trung như trước nữa.

Để tránh tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm hoạt động trở lại, bà Nguyễn Thị Nam cho biết, UBND xã đã làm hồ sơ đề nghị UBND huyện Gia Lâm xây dựng khu vui chơi, lắp đặt một số dụng cụ thể dục, thể thao cho nhân dân tại hai khu chợ tạm đã giải tỏa này. Hiện, mặt bằng cả hai khu chợ cũ đã được giải tỏa sạch sẽ, nhưng đang trong thời gian giãn cách, chống dịch nên chưa triển khai xây dựng. Đồng thời, để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn xã, UBND huyện Gia Lâm cũng đã đồng ý chủ trương sẽ xây dựng chợ dân sinh xã Đặng Xá tại khu vực chợ tạm hiện nay ở thôn Kim Âu, với diện tích khoảng hơn 10.000 m2…

Cần sự đồng thuận của người dân

Từ khi Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, các chợ “cóc”, chợ tạm đã bị UBND các phường, xã, thị trấn ra quân giải tỏa, không cho phép hoạt động. Tuy nhiên, đây là trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động được kiểm soát nghiêm ngặt, còn sau khi giãn cách, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được nới lỏng hơn, dần trở lại cuộc sống bình thường, thì việc có cấm triệt để được các chợ “cóc”, chợ tạm không hoạt động trở lại là vấn đề không đơn giản. Có cầu thì mới có cung, sở dĩ, các chợ “cóc”, chợ tạm tồn tại được vì có nhiều người mua, nhất là những người có thu nhập ở mức trung bình. Nhiều người chọn mua hàng ở những nơi này vì tiện lợi, có thể trên đường đi làm thì ghé mua luôn, không phải đi xa, gửi xe để vào chợ… Chưa kể, do không phải thuê cửa hàng, nên giá thành hàng hóa ở những khu vực này cũng thường rẻ hơn một chút so với các chợ dân sinh và siêu thị…

Quyết tâm xóa bỏ chợ “cóc”, chợ tạm
Chợ “cóc” khiến nhiều khu dân cư trở nên nhếch nhác.

Thực tế cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội, việc giải tỏa các khu chợ tạm, chợ “cóc” không ảnh hưởng quá nhiều đến nhu cầu mua bán của người dân, và việc bố trí, cung ứng hàng hóa đầy đủ tại các chợ dân sinh, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phù hợp có thể đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nhân cơ hội chợ tạm, chợ “cóc” bị giải tỏa trong thời gian giãn cách xã hội, chính quyền các xã, phường, thị trấn cần tuyên truyền, vận động, kiểm soát nghiêm ngặt… để các chợ này không tái họp trở lại. Trước hết, cần tuyên truyền, vận động thường xuyên để người dân từ bỏ thói quen tiện đâu mua đấy, tạo thói quen mua sắm trong chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… được phép hoạt động để kiểm soát được nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, điều này cũng góp phần tránh gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị. Đối với những người kinh doanh, cần tuyên truyền, vận động, sắp xếp, bố trí cho họ đăng ký kinh doanh tại các chợ dân sinh để kinh doanh lâu dài, ổn định.

Chắc chắn không ai muốn thấy một khu phố, con ngõ nào đó của Thủ đô lại lộn xộn, nhếch nhác, ùn tắc… vì các chợ tạm hoạt động. Và để việc giải tỏa chợ “cóc”, chợ tạm không tái họp trở lại, UBND và Công an các phường, xã, thị trấn cần phải thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở cũng như xử phạt nghiêm minh các vi phạm. Bên cạnh đó, việc bố trí, xây dựng chợ dân sinh, siêu thị trên địa bàn các xã, phường phải phù hợp với quy mô dân số, thuận lợi về giao thông để thu hút tiểu thương đến kinh doanh, người dân đến mua sắm.

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã công bố danh sách 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán tạp hóa… và 455 chợ trên địa bàn Thành phố để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Các điểm bán này đều có thông tin liên lạc và địa chỉ cụ thể, thời gian hoạt động chủ yếu từ 6h – 22h hàng ngày.
Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích