Quyết định thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Quyết định thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

MTĐT –  Thứ tư, 22/09/2021 21:57 (GMT+7)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Việc này cũng phù hợp với các quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thúc đẩy thị xã Từ Sơn phát triển, trở thành đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh nói chung và trên địa bàn thị xã Từ Sơn nói riêng.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Theo đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 61,08 km² diện tích tự nhiên, dân số 202.874 người và 12 phường của thị xã Từ Sơn hiện nay. Trụ sở làm việc của thành phố Từ Sơn: Giữ nguyên trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thị xã Từ Sơn hiện có.

tm-img-alt
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: Internet)

Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh, thị xã Từ Sơn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược với rất nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nằm trên hành lang kết nối 6 phân khu đô thị Bắc Ninh – Tiên Du – Từ Sơn – Quế Võ – Yên Phong – Thuận Thành; thị xã Từ Sơn hiện nay là điểm trung gian kết nối giữa đô thị Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội.

Thị xã Từ Sơn cũng là trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ, giữ vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Ninh. Cùng với vai trò kết nối tỉnh Bắc Ninh với vùng Thủ đô Hà Nội, thị xã Từ Sơn còn là đô thị nằm trên hành lang kinh tế lớn Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh thông qua những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, kết nối các tỉnh, các đô thị, các trung tâm phát triển kinh tế lớn của cả nước.

tm-img-alt

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh:Internet).

Việc thành lập thành phố Từ Sơn trên cơ sở nguyên trạng về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc của thị xã Từ Sơn hiện nay là cần thiết và phù hợp với các quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thúc đẩy địa phương phát triển trở thành đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh nói chung và trên địa bàn thị xã Từ Sơn nói riêng.

Thẩm tra nội dung trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh với những lý do nêu trong các Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Đối chiếu với quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã bảo đảm 5/5 điều kiện và 5/5 tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội theo quy định.

Hồ sơ Đề án đã được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ theo đúng quy định. Đề án đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ với 28/28 thành viên biểu quyết đồng ý thông qua.

Sau khi thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và đơn vị hành chính trực thuộc, nhưng tăng 1 thành phố, giảm 1 thị xã. Như vậy Bắc Ninh có 2 thành phố và 6 huyện.

Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết một điều quy định về việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan ở đơn vị hành chính mới được thành lập.

Ngoài ra, cần xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là từ ngày 1/11/2021 để các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương có thời gian kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu, giấy tờ của công dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành nghị quyết này sớm sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương, bảo đảm sẽ vận hành thông suốt khi nghị quyết có hiệu lực thi hành, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Hoài Thu (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích