Quy trình cấp chứng nhận tiêu chuẩn WRAP về trách nhiệm xã hội

Tiêu chuẩn WRAP là tên viết tắt của Worldwide Responsible Accredited Production, là bộ tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội đối với các tổ chức sản xuất gia công hàng dệt may, do tổ chức WRAP ban hành vào năm 2000. Việc áp dụng WRAP trong hệ thống sản xuất giúp nhà máy thuộc lĩnh vực sản xuất, gia công hàng dệt may đảm bảo rằng họ hoạt động phù hợp với luật pháp cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức tại nơi làm việc.

Áp dụng tiêu chuẩn WRAP mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Áp dụng tiêu chuẩn WRAP mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Khẳng định cam kết của lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp trong việc thực hiện áp dụng, duy trì và cải tiến thường xuyên hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, đảm bảo các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao chất lượng công việc.

Tiếp đến là đáp ứng yêu cầu của pháp luật đối với những yêu cầu bắt buộc của luật định; Nâng cao danh tiếng thương hiệu của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, khách hàng, đối tác và các bên quan tâm với tư cách là một doanh nghiệp tiến bộ và công bằng;

Giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, hạn chế tai nạn lao động, rủi ro có thể gây thiệt hại về mặt tài chính và danh tiếng cho doanh nghiệp; Tạo được môi trường làm việc hấp dẫn, uy tín khuyến khích được sự tham gia của nhiều lao động, đặc biệt là các lao động có tay nghề, chất lượng cao; Tăng năng suất, cải thiện khả năng cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ; Loại bỏ rào cản xuất khẩu sang các khu vực châu Âu,…

Để áp dụng WRAP, doanh nghiệp phải tuân thủ 12 nguyên tắc sau: Tuân thủ luật pháp và các quy định có liên quan đến nơi làm việc; Nghiêm cấm sử dụng lao động cưỡng bức; Nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em; Nghiêm cấm ngược đãi, quấy rối, lạm dụng lao động; Đảm bảo lương và phúc lợi; Đảm bảo giờ làm việc; Nghiêm cấm phân biệt đối xử; An toàn lao động; Tự do nghiệp đoàn và thỏa ước lao động tập thể; Môi trường; Tuân thủ luật hải quan; An ninh.

Quy trình cấp chứng nhận WRAP gồm 5 bước. Bước 1 là Nộp đơn đăng ký – Doanh nghiệp cần điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu cho tổ chức WRAP. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần nộp phí hồ sơ.

Bước 2 là Tự đánh giá trước kiểm toán – Sau khi nộp đơn đăng ký chứng nhận, doanh nghiệp cần tiến hành tự đánh giá trước kiểm toán. Điều này nhằm để doanh nghiệp chứng minh việc mình đã và đang áp dụng các thông lệ tuân thủ xã hội.

Bước 3 là Tiến hành đánh giá, giám sát – Khi đã hoàn thành nộp yêu cầu đánh giá trước kiểm toán, doanh nghiệp sẽ lựa chọn đơn vị giám sát được WRAP công nhận. Đơn vị này sẽ dựa trên 12 nguyên tắc của WRAP để tiến hành kiểm toán. Thời gian hoàn thành giám sát phải thực hiện trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký.

Bước 4 là Thẩm định – WRAP tiến hành đánh giá, báo cáo đề xuất của doanh nghiệp. Nếu đề xuất đáp ứng được yêu cầu của tiêu chuẩn thì doanh nghiệp sẽ được cấp chứng nhận. Trong một vài trường hợp có vấn đề, doanh nghiệp sẽ được thông báo để tiến hành kiểm tra, khắc phục.

Bước 5 là Cấp chứng nhận – Nếu đã vượt qua thẩm định, doanh nghiệp sẽ được tổ chức cấp chứng nhận WRAP. Tùy vào quy mô cũng như quyết định mà mức chứng nhận sẽ khác nhau.

Có ba mức chứng nhận WRAP. Đó là bạch kim, vàng và bạc. Chứng nhận bạch kim có hiệu lực trong hai năm. Mức chứng nhận này được trao cho những cơ sở đáp ứng được đầy đủ 12 nguyên tắc WRAP trong ba lần kiểm toán liên tiếp.

Chứng nhận vàng với hiệu lực một năm được cấp cho các cơ sở tuân thủ 12 nguyên tắc của WRAP. Và cuối cùng là chứng nhận bạc có hiệu lực trong vòng 6 tháng. Chứng nhận này dành cho các cơ sở đã tuân thủ 12 nguyên tắc của WRAP nhưng không tuân thủ các chính sách, quy trình hoặc đào tạo liên quan ở một mức nhẹ.

Mai Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích