Quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép

Chú thích ảnh
Sông Hồng đoạn qua xã Minh Tân, huyện Kiến Xương (Thái Bình). Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN

Theo đó, Thái Bình yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép. Địa bàn nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mà không chủ động, tích cực có biện pháp ngăn chặn, xử lý, để các lực lượng chức năng bắt giữ (nhất là để các lực lượng của Bộ Công an bắt, xử lý), phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu.

Cùng với đó, Thái Bình chỉ đạo các sở, ngành chức năng rà soát, tham mưu điều chỉnh quy hoạch các bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi xây dựng và bến thủy nội địa, đảm bảo phù hợp Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt; kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp khai thác cát, bến bãi tập kết kinh doanh khoáng sản ngoài quy hoạch, sai mục đích; giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong báo cáo đánh giá tác động của hoạt động khai thác cát đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất, bãi bồi ven sông; bảo đảm lưu thông dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, xói lở bờ, bãi sông, suy giảm mực nước sông trong mùa cạn, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan, đặc biệt là các tuyến sông phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt…

Các cơ quan, ban ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra bến hàng hóa, điểm tập kết cát, sỏi, kiên quyết xử lý nghiêm các bến bãi tập kết, kinh doanh và tiêu thụ cát, sỏi trái phép; giám sát chặt chẽ việc thực hiện nghĩa vụ thuế, sử dụng hóa đơn VAT đối với các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND cấp tỉnh về quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, truyền thông; định hướng thông tin mạng xã hội trong việc đấu tranh, phê phán, lên án đối với các hành vi vi phạm phạm luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản.

Thời gian qua, một số nơi tại Thái Bình có tình trạng các đối tượng bất chấp pháp luật, lợi dụng việc cải tạo kênh, mương, ao hồ; trời mưa, đêm tối, các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, giáp với các mỏ được cấp phép… để khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, gây sạt lở đê điều, bờ sông, bãi bồi ven sông, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép chưa thực hiện nghiêm túc việc khai thác cát phục vụ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, khai thác ngoài phạm vi cấp phép, khai thác vượt công suất cho phép để trục lợi, trốn thuế… Trong khi đó, vẫn còn trình trạng cơ quan chức năng chưa quan tâm chỉ đạo, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc, để các đối tượng lợi dụng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép…

Từ năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình, nhất là lực lượng công an đã phát huy vai trò nòng cốt, nắm chắc tình hình, phát hiện, xử lý 21 vụ, 41 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường đầu tư an toàn, lành mạnh, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích