Quy Nhơn: Gia hạn thời gian khắc phục bùn thải ở đầm Thị Nại

Quy Nhơn: Gia hạn thời gian khắc phục bùn thải ở đầm Thị Nại

Công ty CP Cảng Quy Nhơn xin gia hạn thời gian khắc phục bùn thải đang tràn ngập ở khu vực đầm Thị Nại, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. 

Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Bình Định, hiện nay Công ty CP Cảng Quy Nhơn xin gia hạn nạo vét bùn thải, khơi thông dòng chảy ở khu vực đầm Thị Nại, TP Quy Nhơn đến ngày 20-12. Lý do ảnh hưởng của thủy triều lên nên việc nạo vét có chậm lại. Trước đó, kế hoạch ban đầu việc nạo vét khơi thông dòng chảy tiêu thoát lũ phải hoàn thành vào ngày 15-12.

Theo đó, Sở TN&MT đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh cho gia hạn thời gian khắc phục bùn thải khơi thông dòng chảy ở khu vực đầm Thị Nại.

Sở TN&MT cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn tổ chức khảo sát, xác định thiệt hại từ tình trạng bồi lắng bùn của các hộ dân và môi trường ở khu vực này; đề xuất việc yêu cầu bồi thường theo quy định. Sau khi khắc phục xong bùn thải, Công ty CP Cảng Quy Nhơn phải thực hiện khôi phục đa dạng sinh học khu vực này.

nao-vet.jpg
Các phương tiện đang hút, xử lý bùn thải ở nơi giao nhau giữa cửa sông ra đầm Thị Nại. Ảnh: TD

Theo Sở TN&MT Bình Định, hiện Công ty CP Cảng Quy Nhơn bố trí hai tàu hút bùn bồi lắng, bơm vào khu vực lưu chứa. Tại khu vực lưu chứa thuộc dự án khu đô thị mới Chợ Góc, Công ty TNHH Phú Gia Riverside thực hiện việc gia cố nâng bờ bao, cửa tràn thoát nước, lắp đặt các lưới chắn bùn. Trước mắt tập trung khơi thông dòng chảy tiêu thoát lũ khu vực đập tràn Quy Nhơn 3 để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024.

Quy Nhơn
Bùn thải vẫn còn tràn ngập khu vực giao nhau giữa cửa sông ra đầm Thị Nại. Ảnh: THU DỊU

Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định, thông tin: đến thời điểm này, doanh nghiệp đã nạo vét được luồng, tuyến với chiều rộng khoảng 50 m, dài khoảng 220 m tính từ điểm nhập lưu với sông Trường Úc và còn cách đập tràn Quy Nhơn 3 khoảng 100 m.

“Trong quá trình khắc phục, Sở TN&MT cử cán bộ giám sát hiện trường trực tiếp, kiểm tra tiến độ thường xuyên. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tiến độ bằng hình ảnh mỗi ngày”- bà Hương nói.

Bình Định
Dòng chảy tiêu thoát lũ bắt đầu mở trở lại. Ảnh: THU DỊU
Bình Định
Khu vực sông phía sau đập tràn Quy Nhơn 3 nối tới điểm nhập lưu sông Trường Úc khu vực đầm Thị Nại nhìn từ trên cao thấy rõ tình trạng bùn bồi lắng. Ảnh:TQ

Trong quá trình thi công dự án nạo vét bến số 1 cảng Quy Nhơn và bơm hút vật chất nạo vét đổ tại khu vực Chợ Góc, Công ty CP Cảng Quy Nhơn phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ 473 triệu đồng cho 71 hộ ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn và 17 hộ ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Trong đó, bao gồm hỗ trợ đối với ảnh hưởng đến nhà, công trình kiến trúc, ao hồ nuôi; hỗ trợ do suy giảm thu nhập từ hoạt động đánh bắt; hỗ trợ nuôi thủy sản.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng số tiền hỗ trợ trên chẳng đáng là bao so với hậu quả của bùn thải đã và đang gây ra. 

Ông Trần Ngọc Quang (ngụ khu vực 4, phường Nhơn Bình), nói: “Chúng tôi đang rất lo lắng. Cả năm nay, khúc sông này ngập bùn, ghe thuyền không hoạt động được. Sau này xử lý xong, tôm, cá có xuất hiện trở lại hay không, bao nhiêu lâu mới có lại? Chưa ai có thể nói được”.

Quy Nhơn
Một nhà dân ở tổ 28, khu vực 4, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn bị bùn thải vây hãm. Ảnh:TQ

Theo bà Trần Thị Quế (80 tuổi, ngụ khu vực 4, phường Nhơn Bình) nói thêm: “Khu vực sông phía sau đập tràn Quy Nhơn 3 trước đây ghe thuyền chạy dày đặc. Buổi chiều người dân ở đây ra làm lưới gõ ở đó. Mấy hôm nay nước thủy triều lên, bình thường người dân đi làm lưới rồi mà giờ thấy có nước chảy đó nhưng không ai dám chắc nó có sâu được như trước đây nên chẳng ai dám ra, sợ triều xuống mắc cạn với bùn”.

Trước đó, theo báo chí đưa tin người dân ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn đang rất bức xúc trước tình trạng bùn thải tràn ra khắp nơi. Nhiều khu vực đất sản xuất nông nghiệp, mặt nước nuôi thủy sản ngập ngụa bùn thải. Mùi hôi bốc lên nồng nặc khắp nơi, rất khó chịu, khu vực trục tiêu thoát lũ đập tràn Quy Nhơn 3 tới ngã ba sông Trường Úc, dòng chảy bị tắc nghẽn vì bùn thải dày đặc.

Nguyên nhân của việc khúc sông này không con gì sống là do doanh nghiệp sử dụng làm ao lắng bùn, đãi cát. Bùn được doanh nghiệp lấy từ việc nạo vét nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn đưa về đây dùng cho việc san lấp mặt bằng dự án khu đô thị mới chợ Góc. Nhưng sau khi dự án kết thúc đã không xử lý tình trạng bùn lắng đọng gây tắc nghẽn dòng chảy.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, Công ty TNHH Phú Gia Riveside xây dựng ba ao chứa nối tiếp nhau để lắng đọng cặn bùn dùng san lấp mặt bằng khu đô thị chợ Góc, phường Nhơn Bình.

Vật chất nạo vét được vận chuyển đến âu chứa tạm lắp đặt tại khu vực lòng sông ở điểm nhập lưu với sông Trường Úc. Sau đó, bơm về lắng qua các ao chứa tại 2 khu vực bãi đổ có tổng diện tích 17,3 ha.

Khu vực bãi đổ này thuộc khu đô thị mới khu vực chợ Góc do Công ty TNHH Phú Gia Riverside làm chủ đầu tư.

Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo nước được lắng trong trước khi dẫn ra môi trường. Quá trình nạo vét, đổ thải kết thúc vào ngày 31/10. Tuy nhiên, doanh nghiệp thực hiện dự án đã không tuân thủ quy trình trong quá trình xử lý bùn ở khu vực âu chứa tạm thời dẫn đến tình trạng bùn thải chảy tràn ra bên ngoài.

Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế. Kết quả kiểm tra ghi nhận có hiện tượng bồi lắng bùn tại lòng sông thuộc đoạn trục tiêu thoát lũ từ đập tràn Quy Nhơn 3 đến điểm nhập lưu với sông Trường Úc. Đây là khu vực bố trí âu chứa tạm trước đây.

Bùn thải này gây cản trở dòng chảy tiêu thoát lũ, nguy cơ ảnh hướng đến sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2023 – 2024 của khu vực canh tác nông nghiệp phía bắc đập tràn Quy Nhơn 3; ảnh hưởng đến việc lấy nước phục vụ nuôi thủy sản của một số hộ dân thuộc phường Nhơn Bình.

Trước việc các doanh nghiệp thực hiện dự án không thực hiện các biện pháp khôi phục đa dạng sinh học khu vực này theo quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, Sở TN&MT Bình Định đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo hai doanh nghiệp khẩn trương xử lý tình trạng bùn lắng đọng gây tắc nghẽn dòng chảy.

Theo đó, Công ty TNHH Phú Gia Riveside phải thực hiện gia cố lại các ao lắng, đảm bảo việc nạo vét định kỳ ngăn không cho bùn thoát ra ngoài cũng như phải thực hiện khôi phục lại đa dạng sinh học trong khu vực theo quy định, bồi thường thiệt hại cho người dân. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, cho hay UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT kiểm tra, rà soát tình trạng bùn thải gây tắc nghẽn dòng chảy; đề xuất biện pháp xử lý, khắc phục ở khu vực đầm Thị Nại, TP Quy Nhơn.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích