Quy Nhơn (Bình Định): Những bất cập sau lệnh cấm hoạt động nhà hàng bè nổi
(Xây dựng) – UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản chỉ đạo, yêu cầu tất cả các nhà hàng bè nổi dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ trái phép nhằm tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, việc thông báo trên đã gây ra nhiều bất cập cho du lịch biển đảo. Sau lệnh cấm, bên cạnh những nhà hàng bè nổi vô tư hoạt động, lại có nhà hàng bè nổi than trời và mong muốn được tháo gỡ để phát triển du lịch cộng đồng.
Bất chấp lệnh cấm, các nhà hàng bè nổi vẫn vô tư hoạt động trái phép. |
Bất chấp lệnh cấm để mưu sinh
Những ngày gần đây, chúng tôi ghi nhận tại đảo Hòn Khô của xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, có hàng loạt nhà hàng bè nổi mọc lên san sát bất chấp lệnh cấm của UBND tỉnh Bình Định vẫn vô tư hoạt động như: Kim Ngân, Hòn Khô, 5 Tùng, Biển Chiều, Cát Trắng, A Tư.
Chủ nhà hàng bè nổi 5 Tùng và Cát Trắng cho hay, mặc dù biết thông báo đình chỉ các nhà hàng bè nổi trên đảo Hòn Khô, nhưng vì cuộc sống sinh kế chúng tôi không thể dừng hoạt động, dẫu biết đấy là hoạt động kinh doanh du lịch trái phép.
Theo người dân nơi đây cho biết, vào những ngày lễ, mỗi ngày các nhà hàng bè nổi đón hàng trăm khách đến ăn uống nhộn nhịp. Vì là nhà hàng bè nổi nằm trên biển, nên du khách ăn uống đều xả rác gây ô nhiễm môi trường biển và qua thời gian, các nhà hàng bè nổi sẽ hủy hoại môi trường biển là điều không thể tránh khỏi.
Tại xã Nhơn Lý, hoạt động bè nổi lặn ngắm san hô tại Bãi Dứa cũng thông báo phải dừng. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh và nhu cầu du lịch cộng đồng nên người dân bất chấp lệnh cấm vẫn ngang nhiên hoạt động. Chủ nhà hàng H.T chia sẻ: Khách du lịch đến Nhơn Lý chủ yếu là tắm biển, lặn ngắm san khô và thưởng thức hải sản của làng chài. Bây giờ thông báo dừng bè lặn ngắm san khô, thì lấy đâu ra sản phẩm dịch vụ để thu hút khách du lịch. Có cấm, song vì mưu sinh chúng tôi vẫn bất chấp làm.
Nhà hàng nổi mọc trái phép trên sông Hà Thanh đã tồn tại nhiều năm nay. |
Tại lưu vực cuối sông Hà Thanh chảy ra đầm Thị Nại, thuộc phường Nhơn Bình, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, chúng tôi ghi nhận một số nhà hàng nổi như B.S, N.C, S.T ngang nhiên chiếm mặt nước hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trái phép. Một số người dân sống tại khu vực cho rằng, phải chăng chính quyền đang làm ngơ, “ưu ái”, tiếp tay để các nhà hàng nổi này hợp pháp hoạt động, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái ven đầm Thị Nại.
Mong muốn gỡ rối cho du lịch cộng đồng
Phóng viên được biết, Nhơn Lý và Nhơn Hải là hai xã ven biển trong khu vực biển vịnh Quy Nhơn. Trong những năm qua, xã Nhơn Lý và xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn là các địa phương phát triển mạnh về dịch vụ, du lịch biển, đảo với các loại hình du lịch cộng đồng đang được áp dụng như: đưa du khách ra khu vực biển Bãi Dứa, Hòn Sẹo, Kỳ Co, Eo Gió, Hòn Khô để trải nghiệm giải trí tắm biển, lặn ngắm san hô, trải nghiệm câu mực đêm trên các bè nổi, góp phần quan trọng nhằm thu hút và quảng bá du lịch của thành phố Quy Nhơn nói riêng và của tỉnh Bình Định nói chung.
Để vừa bảo vệ khu vực san hô, vừa tạo sinh kế cho cộng đồng, UBND thành phố Quy Nhơn công nhận, giao quyền quản lý cho Tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Bãi Dứa, xã Nhơn Lý và khu vực phía Tây Hòn Khô Nhỏ, xã Nhơn Hải. Đây là mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầu tiên trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và là mô hình đầu tiên của cả nước theo Luật Thủy sản năm 2017.
Qua rà soát, kiểm tra, báo cáo của UBND xã Nhơn Lý và xã Nhơn Hải, tại hai khu vực trên được UBND thành phố Quy Nhơn giao quyền quản lý ở khu vực Bãi Dứa, xã Nhơn Lý với 24 bè nổi và khu vực phía Tây Hòn Khô Nhỏ, xã Nhơn Hải với 5 bè nổi hoạt động theo đúng phương án đã được UBND thành phố Quy Nhơn công nhận và giao quyền để thực hiện bảo vệ rạn san hô, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bởi vậy, việc đình chỉ hoạt động của các bè nổi nêu trên ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế, đời sống của cộng đồng địa phương trong thời gian vừa qua.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Thành Danh – Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý chia sẻ: Có thể, UBND tỉnh Bình Định đình chỉ việc các nhà hàng nổi và hoạt động các môtô nước trái phép là đúng. Tuy nhiên, không nên đình chỉ bè nổi. Bởi mô hình bè nổi như một điểm dừng chân để đưa khách du lịch ra lặn ngắm san hô tại khu vực Bãi Dứa. Nếu không có bè, thì không thể đưa khách ra tắm biển, lặn ngắm san hô. Chưa kể, bè này hoạt động, hỗ trợ cho chuỗi dịch vụ sản phẩm cho các nhà hàng trên bờ, góp phần thúc đẩy cho du lịch cộng đồng tại Nhơn Lý phát triển.
Người dân mong muốn, không nên đình chỉ hoạt động bè nổi phục vụ khách du lịch để lặn ngắm san hô tại Bãi Dứa. |
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Hoàng Nam – Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn cho biết: Để tìm hướng tháo gỡ, UBND thành phố Quy Nhơn có báo cáo tình hình sử dụng bè nổi phục vụ khách du lịch lặn ngắm san hô tại xã Nhơn Lý và xã Nhơn Hải. Theo đó, chúng tôi đề xuất UBND tỉnh Bình Định đồng ý cho phép 24 bè nổi tại khu vực Bãi Dứa, xã Nhơn Lý và 5 bè nổi tại khu vực phía Tây Hòn Khô Nhỏ, xã Nhơn Hải tiếp tục hoạt động phục vụ khách du lịch để lặn ngắm san hô.
Ông Ngô Hoàng Nam tiếp lời: UBND thành phố Quy Nhơn cũng kiến nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ cho phép các phương tiện thủy nội địa đủ điều kiện hoạt động vận chuyển du khách đến tham quan, lặn ngắm san hô tại khu vực Bãi Dứa và khu vực phía Tây Hòn Khô Nhỏ. Không cho phép các hoạt động tổ chức kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên các bè nổi lặn ngắm san hô.
Nhà hàng nổi mới xuất hiện tại đầm Thị Nại thuộc phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. |
Trên cơ sở đề xuất của UBND thành phố Quy Nhơn, cho phép các bè nổi tại khu vực Bãi Dứa, xã Nhơn Lý và các bè nổi tại khu vực phía Tây Hòn Khô Nhỏ, xã Nhơn Hải tiếp tục hoạt động phục vụ khách du lịch lặn ngắm san hô, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét đề nghị của UBND thành phố Quy Nhơn; tham mưu đề xuất UBND tỉnh Bình Định xem xét theo thẩm quyền.
Nguồn: Báo xây dựng