Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung trở thành cầu nối giữa các vùng kinh tế – xã hội của cả nước
(Xây dựng) – Sáng 11/10, tại Đà Nẵng, Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ lần thứ 2 chính thức được diễn ra với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị. |
Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đóng vai trò cốt lõi trong việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36/NQ/TƯ ngày 23/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sẽ là “cầu nối” giữa các vùng kinh tế – xã hội thuộc khu vực Nam bộ, Bắc bộ là “cửa ngõ” của vùng Tây Nguyên và CHDCND Lào.
Trong những năm qua, các tỉnh và thành phố của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đã thu hút đầu tư, hoàn thành nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, nâng cấp các cảng hàng không, cảng biển và nhiều dự án đầu tư quy mô lớn vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, nhất là khu du lịch, hải sản, năng lượng, góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững của Vùng. Bức tranh kinh tế của Vùng đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế to lớn, Vùng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Là một vùng trải dài theo tuyến với đường bờ biển gần 1.800km nên việc kết nối trực tiếp giữa các địa phương trong nội vùng bị hạn chế. Trình độ phát triển kinh tế – xã hội, đô thị hóa và kết cấu hạ tầng còn thấp so với khu vực miền Bắc và khu vực miền Nam, hạt nhân chính của vùng là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mới phát triển.
Theo báo cáo đề dẫn về lập quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung sẽ được quy hoạch theo hướng bảo đảm khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng trên cơ sở kết nối các tỉnh/thành phố. Bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực do kinh tế – xã hội, môi trường gây ra đối với sinh kế của cộng đồng dân cư. Quá trình lập quy hoạch cần kết hợp với các chính sách khác thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và đảm bảo sinh kế bền vững của người dân.
Mục tiêu lập quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ cần đạt được các mục tiêu đề ra. Là công cụ quản lý của Nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế – xã hội, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển. Cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp kinh tế – xã hội đối với vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 là: “Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng – an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ. Cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, sản xuất, lắp ráp ôtô. Phát triển nhanh, đồng bộ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tăng cường liên kết vùng, tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế Đông – Tây, phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, bão lũ, hạn hán, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, sạt lở bờ sông, bờ biển”.
Cụ thể hóa phương hướng tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung được đề ra trong các quy hoạch cấp quốc gia làm căn cứ và định hướng để lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, nông thôn trên phạm vi lãnh thổ vùng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch. Đề xuất các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa kinh tế của vùng, hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo môi trường và động lực để các địa phương trong vùng phát triển theo định hướng phát triển của quốc gia. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm việc xây dựng hệ thống đô thị ven biển của vùng trở thành các trung tâm kinh tế trên địa bàn vùng, là các hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng và các vùng lân cận.
Nguồn: Báo xây dựng