Quy hoạch tổng thể và chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng – tiền đề quan trọng để du lịch Ninh Bình “cất cánh”
(Xây dựng) – Trong suốt những năm qua, Ninh Bình luôn là tỉnh quan tâm chú trọng đến công tác quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, đây là tiền đề quan trọng để du lịch Ninh Bình “cất cánh”.
Ninh Bình trong những năm qua luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế và trong nước. |
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: Đối với công tác quy hoạch phát triển du lịch, Sở đã tham mưu lập “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1124/QĐ-UBND ngày 30/8/2018.
Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đến nay du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, là một trong những trọng điểm du lịch của vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước.
Cùng với Quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết một số khu du lịch đã và đang được đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện như: Quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Tràng An; Quy hoạch chi tiết khu du lịch Tam Cốc – Bích động; Quy hoạch chi tiết khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình…
Các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan cũng đã được Sở Du lịch tham mưu xây dựng và đã được cấp có thẩm quyền đánh giá cao như: Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An; Quy hoạch phân khu khu vực trung tâm Ninh Hải – Ninh Thắng (khu 4-4); Quy hoạch phân khu xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An các khu 3-1; 3-2; 3-3 trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện, Sở Du lịch đang tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị tư vấn để tích hợp và cập nhật, bổ sung quy hoạch, Đề án tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030 vào trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để triển khai thực hiện. Đặc biệt, Sở Du lịch đang tham mưu UBND tỉnh triển khai lập Quy hoạch bảo quản tu bổ phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Tràng An – Tam Cốc – Bích Động trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chỉ 5 năm qua, Ninh Bình đã thu hút trên 13 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách cho cơ sở hạ tầng du lịch, với tổng mức đầu tư khoảng 1.755 tỷ đồng. |
Đối với công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch từ nguồn vốn ngân sách, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Từ năm 2019 đến nay, các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích lịch sử – văn hoá và dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch trong khu Di sản Tràng An được ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, để triển khai thi công và hoàn thành các dự án nhằm tạo cảnh quan đô thị xanh, tạo điểm nhấn du lịch hấp dẫn đáp ứng nhu cầu tham quan, ngắm cảnh và vui chơi giải trí của người dân và du khách, góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển.
Trong 5 năm trở lại đây, tổng nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước của các dự án 869 tỷ đồng (trong đó: Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch là 839,3 tỷ đồng; tu bổ, tôn tạo di tích là 30 tỷ đồng…). Đến nay, đã có 2 dự án hoàn thành đã đưa vào khai thác, sử dụng là: Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Cọ; Dự án Nạo vét tuyến giao thông thuỷ Bích Động – Hang Bụt và Thạch Bích – Thung Nắng.
Về nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách: Từ năm 2019 đến nay đã thu hút trên 13 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, với tổng mức đầu tư khoảng 1.755 tỷ đồng. Các dự án tiêu biểu đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phục vụ khách du lịch có hiệu quả, tiêu biểu như: Khu nghỉ dưỡng Emeralda Tam Cốc, khu phố cổ Hoa Lư, Minawa KenhGa Resort, Vedana resort, Cuc Phương rersort and spa, sân golf Tràng An… đã tạo định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn liền với việc khai thác yếu tố cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử truyền thống, đồng thời góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế – xã hội của địa phương.
Trong thời gian tới, các dự án lớn sẽ được các nhà đầu tư tiếp tục triển khai hoàn thiện và sẽ đưa vào hoạt động như: Khu nghỉ dưỡng Kênh Gà – Vân Trình; mở rộng các tuyến du lịch, khai thác các tuyến mới trong khu du lịch Tràng An; tuyến du lịch con đường di sản, các khu vực phát triển du lịch cộng đồng tại Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan; đổi mới mô hình quản lý khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; xây dựng các không gian trưng bày giới thiệu về giá trị văn hóa, lịch sử kinh đô Hoa Lư và nhà nước Đại Cồ Việt; không gian trưng bày giới thiệu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An…
Nguồn: Báo xây dựng