Quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng phát triển 04 vùng động lực quốc gia và 04 cực tăng trưởng
(Xây dựng) – Chiều 09/01/2023, tại Kỳ họp bất thường thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với 449/489 đại biểu có mặt tại hội trường biểu quyết tán thành (chiếm 90,52%), Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. |
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm phù hợp với Chiến lược và các Nghị quyết về phát triển ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và địa phương đã được ban hành. Đồng thời đã rà soát lược bỏ những nội dung quá cụ thể, chi tiết để cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp dưới, bảo đảm yêu cầu bao quát, ngắn gọn.
Đối với đề nghị bổ sung định hướng hình thành cơ quan điều phối vùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện tại điểm đ khoản 2 Điều 15 dự thảo Nghị quyết: Giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế điều phối vùng; Nâng cao hiệu quả hoạt động hội đồng điều phối vùng gắn với các nhiệm vụ điều phối, thúc đẩy liên kết cụ thể; Nghiên cứu việc xây dựng cơ chế về phối hợp nguồn lực giữa các địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp lại kết cấu của dự thảo Nghị quyết về vùng kinh tế – xã hội, vùng động lực phát triển, hành lang kinh tế để làm rõ hơn sự liên kết; đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ hơn các nội dung theo ý kiến đại biểu Quốc hội để cụ thể hóa trong các quy hoạch vùng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu chỉnh lý danh mục là danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia; Rà soát đưa một số dự án quan trọng trong lĩnh vực giao thông đang được triển khai và sẽ tiếp tục được triển khai, một số dự án có vai trò quan trọng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ quy hoạch và giai đoạn tiếp theo đã được xác định trong Chiến lược phát triển, các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.
Các dự án khi được nghiên cứu, triển khai các thủ tục đầu tư nếu đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thì phải trình Quốc hội xem xét, quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật, đồng thời sẽ được bổ sung vào danh mục này như quy định tại khoản 2 Điều 13 dự thảo Nghị quyết….
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. |
Liên quan đến đề nghị làm rõ thêm cơ sở xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế các vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng cao hơn so với tốc độ phát triển trung bình chung của quốc gia, trong khi quy mô kinh tế các vùng này ở mức cao hơn nhiều so với bình quân chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Mục tiêu tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng của dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia đã phù hợp với Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, các mục tiêu này cũng thể hiện định hướng tập trung nguồn lực cho 2 vùng động lực để phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư, bảo đảm vai trò đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển của quốc gia.
Về ý kiến đề nghị xác định rõ phạm vi không gian biển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết phạm vi không gian biển được quy định tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 24/7/2020 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển. Do đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ đưa ra những định hướng lớn về phát triển không gian biển. Các nội dung về việc phân vùng chức năng, sắp xếp, phân bổ và tổ chức không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời sẽ được xác định cụ thể trong Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Ngoài các nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Các ý kiến cụ thể đã được nghiên cứu tiếp thu, giải trình trong Báo cáo đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Hồ sơ sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo rà soát, tiếp thu ý kiến sửa đổi về câu chữ, kỹ thuật văn bản để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết.
Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết. |
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định: Dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tiếp thu đầy đủ, các tài liệu liên quan đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội. Với 449/489 đại biểu có mặt tại hội trường biểu quyết tán thành (chiếm 90,52%), Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm được xác định tại Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển vùng, ngành, lĩnh vực. Đây là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết. |
Nghị quyết xác định rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, trong đó tập trung vào một số định hướng cụ thể như phát triển không gian kinh tế – xã hội; không gian biển; sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời, phân vùng và liên kết vùng; phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; phát triển ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu và danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia, thứ tự ưu tiên thực hiện và giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Nghị quyết nhấn mạnh quy hoạch tổng thể quốc gia để kiến tạo không gian phát triển mới. Cụ thể, Quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng sự hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam và hướng Đông – Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn và gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.
Quốc hội chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế gắn với vùng động lực quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu ứng lan tỏa. Theo đó, từ nay tới năm 2030, nhiệm vụ ưu tiên là hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế là hành lang kinh tế Bắc – Nam gắn với đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cùng với 02 hành lang kinh tế Đông – Tây là Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Mộc Bài – Thành phố Hồ Chí Minh – Vũng Tàu. Trong quá trình triển khai thực hiện, một số hành lang kinh tế Đông – Tây ưu tiên khác sẽ được nghiên cứu bổ sung.
Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra mục tiêu tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm đến năm 2030 để các vùng động lực dẫn dắt, đi trước, đóng góp lớn cho nền kinh tế; đồng thời vẫn tiếp tục phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội cho các khu vực khác trên cả nước.
Quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng phát triển 04 vùng động lực quốc gia và 04 cực tăng trưởng bao gồm: Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh); Vùng động lực phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu); Vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi) và Vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tương ứng với 04 vùng động lực này là 04 cực tăng trưởng: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ. Bên cạnh đó, từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực Khánh Hòa và phụ cận).
Trong giai đoạn sau năm 2030, mục tiêu sẽ là tập trung phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng trên cơ sở khai thác hiệu quả các thế mạnh về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn nhân lực, liên kết mạnh mẽ để cùng phát triển.
Nguồn: Báo xây dựng