Quy hoạch tái thiết, chỉnh trang đô thị: Tạo nguồn lực cho phát triển

Quy hoạch tái thiết, chỉnh trang đô thị: Tạo nguồn lực cho phát triển

Để phát triển đô thị Hà Nội hài hòa, bền vững, trong định hướng Quy hoạch chung Thủ đô, các chuyên gia cho rằng cần quan tâm đến giải pháp cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị cũ gắn với bảo tồn vì hoạt động này sẽ tạo được thêm nguồn lực cho phát triển.

tm-img-alt

Bên cạnh ưu tiên phát triển các khu vực đô thị mới như thành lập 2 TP trực thuộc Thủ đô, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng, cần quan tâm đến giải pháp cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị cũ gắn với bảo tồn vì hoạt động này sẽ tạo được thêm nguồn lực cho phát triển.

Xác định rõ ranh giới các khu vực tái thiết và bảo tồn

Tại bản thuyết minh đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 đã nhận định, khu vực nội đô Hà Nội đang ngày một chịu áp lực lớn do tăng dân số cơ học. Nhiều công trình đang xuống cấp và dịch vụ đô thị nghèo nàn. Xu hướng trong những năm tới, khi thu nhập của người dân tăng lên sẽ mong muốn có chất lượng cuộc sống tốt hơn, tiện nghi hơn. Do vậy, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cần phải tạo ra cách thức giải quyết phù hợp với nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, khu vực nội đô là nơi chứa đựng mật độ dày đặc di tích của Thăng Long, Hà Nội. Vì vậy, việc kiểm soát gia tăng dân số và xây dựng trong khu vực nội đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho đô thị Hà Nội. Vấn đề đặt ra là cân bằng giữa bảo tồn văn hóa, công bằng xã hội và phát triển kinh tế; nghiên cứu tái phát triển đô thị, đặc biệt là các khu chung cư cũ đã xuống cấp như Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thành Công…

Tái thiết, phát triển đô thị Hà Nội cần kết nối việc cải tạo khu trung tâm cũng như các khu ở ven đô, cải tạo hệ sinh thái sông hồ và không gian công cộng. Đặc biệt phải xem xét khai thác không gian phát triển dọc sông Hồng như một trục phát triển sinh thái của Hà Nội. Kinh nghiệm phát triển hành lang ven sông ở Cairo (Ai Cập) có thể áp dụng trong việc cải tạo, chỉnh trang tuyến đô thị dọc sông Hồng gắn với cầu Long Biên, một di sản quan trọng của Hà Nội. Bài học kinh nghiệm của Thượng Hải (Trung Quốc) trong xây dựng hành lang pháp lý minh bạch và sự tham gia của người dân trong tái phát triển đô thị; cải tạo khu ổ chuột ở Medellin (Colombia)… có thể được áp dụng một cách phù hợp trong công cuộc chỉnh trang Hà Nội.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam,KTS Trần Ngọc Chính

Thực tế phát triển đô thị ở Hà Nội những năm qua cũng cho thấy, nhiều khu vực đô thị phát triển lộn xộn, rời rạc, thiếu cơ sở và dịch vụ hạ tầng, nhiều khu ở bị xuống cấp, điều kiện sống chật hẹp, thiếu không gian công cộng, giao thông tắc nghẽn, ngập lụt, ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng. Mặc dù Hà Nội đã có chính sách và chương trình giãn dân (như giảm mật độ khu phố cổ) nhưng chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt bởi còn nhiều rào cản.

Nguyên Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat), TS Nguyễn Quang khẳng định, để thực hiện được mục tiêu tái thiết và bảo tồn, bản điều chỉnh quy hoạch chung mà Hà Nội đang lập cần phải xác định rất rõ ranh giới đô thị, vùng chuyển đổi và khu vực nông thôn.

Điều này giúp hạn chế việc xây dựng đô thị tràn lan, sử dụng đất không hiệu quả, không gắn đô thị hóa với công nghiệp hóa (việc làm, dịch vụ). Hơn nữa, xác định cụ thể những khu vực bảo tồn không phát triển, khu vực hạn chế phát triển, khu vực phát triển có điều kiện, khu vực khuyến khích phát triển và có cơ chế quản lý thật chặt chẽ.

“Nếu không sẽ như tình trạng hiện nay, mặc dù chúng ta xác định khu phố cổ, khu phố Pháp là hạn chế phát triển nhưng trên thực tế các công trình thay nhau mọc lên làm ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan và giá trị di sản cần bảo tồn” – TS Nguyễn Quang nêu ví dụ.

Tạo sự đồng thuận và thu hút đầu tư

Để tìm được giải pháp phù hợp trong việc chỉnh trang, tái thiết đô thị, các chuyên gia cho rằng Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm và khuyến nghị quốc tế. Theo TS Nguyễn Quang, kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Thụy Điển… trong quy hoạch cải tạo chỉnh trang đô thị cũ cho thấy sự tham gia của cư dân và các tổ chức cộng đồng là rất quan trọng. Các dự án cần được thiết kế từ dưới lên, làm việc với các hộ gia đình và cộng đồng để họ có thể đưa ra quyết định về mức độ dịch vụ mà họ nhận được. Thành công lâu dài của việc nâng cấp đòi hỏi phải xem xét đến các chi phí liên quan và thiết kế phù hợp với cộng đồng, chính quyền địa phương.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, quá trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội rất cần có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, những người dân và tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản; các tổ chức và chuyên gia về vấn đề bảo tồn di sản. Từ đó hình thành nên chính sách đặc thù, bảo tồn di sản văn hóa trong đô thị hiện đại với sự tham gia của cộng đồng.

Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, Hà Nội là TP di sản quan trọng, vì vậy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Thủ đô phải được coi là tài sản xã hội, giúp nâng cao bản sắc của một đô thị, đóng góp nâng cao chất lượng sống và kinh tế đô thị. Chương trình nâng cấp, tái thiết cần cách tiếp cận đa mục tiêu, nâng cấp nhà ở, hạ tầng gắn với tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Chính quyền cần xác định các mục tiêu, ý nghĩa lịch sử và văn hóa của địa điểm, khu vực bảo tồn phù hợp với sự phát triển văn hóa và tinh thần của xã hội. Cần lồng ghép các mục tiêu bảo tồn và phát triển, xác định di sản văn hóa là một tài sản xã hội quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và môi trường bền vững ở địa phương.

Chính quyền cũng cần hỗ trợ đầy đủ về mặt pháp lý và tài chính cho việc thực hiện các hoạt động bảo tồn, tôn tạo, nhất là việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn. Đồng thời, thúc đẩy các biện pháp khuyến khích nhà đầu tư và các tổ chức phi lợi nhuận hợp tác cho việc bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa cũng như phát triển đô thị.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích