Quy hoạch quảng trường chợ Bến Thành, đừng quên “diễn viên chính”

Tổng thể quảng trường trước chợ và những không gian mở quanh chợ là sân khấu, còn chợ Bến Thành là “diễn viên chính” của sân khấu đó.

quy hoach quang truong cho ben thanh dung quen dien vien chinh
Chợ Bến Thành được xây từ năm 1912, hoàn thành vào cuối tháng 3 năm 1914 (Ảnh: Hải Long).

Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM vừa đề xuất 3 phương án cho quảng trường trước chợ Bến Thành, quận 1, nhằm giữ văn hóa đặc trưng của thành phố.

Trong đó phương án một là tái lập vòng xoay Quách Thị Trang như trước đây, giữ nguyên tuyến giao thông. Phương án này thi công nhanh, không gây xáo trộn giao thông, tuy nhiên không đúng theo định hướng quy hoạch đồ án 930 ha khu trung tâm thành phố, nên chỉnh trang cũng chỉ ở mức tạm thời.

Phương án hai, thiết kế không gian ngầm theo quy hoạch đồ án 930ha khu trung tâm. Cách này tuy có nhiều ưu điểm (vì làm đúng theo nội dung quy hoạch đã được nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng), nhưng cần rất nhiều thời gian và kinh phí, đồng thời phải tính toán cách phân luồng giao thông tạm thời trong quá trình thi công.

Phương án ba, thiết kế cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành và điều chỉnh một số hướng tuyến giao thông. Phương án thực hiện theo đúng đồ án 930ha, tuy nhiên chỉ tập trung thiết kế cảnh quan trên mặt đất, lúc thực hiện phần ngầm lại tháo dỡ, rào chắn.

Qua nghiên cứu cả ba phương án, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP đánh giá phương án 3 là phù hợp và khả thi nhất. Phương án sẽ từng bước thực thi theo đồ án quy hoạch được duyệt, nhưng vẫn giữ được không gian đặc trưng của thành phố.

Có thể nói, tổng thể quảng trường trước chợ và những không gian mở quanh chợ là sân khấu, và chợ Bến Thành là “diễn viên chính” của sân khấu đó. Tuy nhiên, theo tôi, cả 3 phương án đều “bỏ quên” diễn viên chính của mình. Thiết kế quảng trường cần phải được nghiên cứu trên tổng thể không gian trong và ngoài chợ, bao gồm cả 3 mặt hông Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và Thủ Khoa Huân. Nói cách khác, thiết kế quảng trường nên chỉ là một phần trong đề án lớn hơn, là thiết kế cải tạo không gian chợ và không gian đô thị quanh chợ Bến Thành.

Chợ Bến Thành đã được UBND thành phố thông qua phương án chỉnh trang – cải tạo vào tháng 2/2022, nhưng chủ yếu là sửa chữa những hạng mục xuống cấp bên trong, thay ngói mới, và giữ nguyên kiến trúc mặt ngoài. Tôi cho rằng như thế vẫn chưa đủ.

Để chợ Bến Thành là vừa là biểu tượng kiến trúc, vừa là điểm đến thân thuộc, nhộn nhịp và hấp dẫn hơn nữa của người dân TPHCM và du khách, thì bản thân quảng trường trước chợ, dù có thiết kế theo ý tưởng nào, vẫn là không đủ. Chúng ta cần nhìn ra những vấn đề của chợ và không gian đô thị quanh chợ hiện nay, để có một giải pháp tổ chức và cải tạo không gian tổng thể, từ trong ra ngoài.

quy hoach quang truong cho ben thanh dung quen dien vien chinh
Chợ Bến Thành nhìn từ trên cao (Ảnh: Hải Long).

Vấn đề đầu tiên của chợ, là ngoài mặt cửa bắc – phía đường Lê Thánh Tôn, 3 mặt còn lại đều đóng không có ki ốt mặt tiền, khác với nguyên bản ban đầu. Thiết kế chợ buổi đầu bốn mặt đều có gian hàng mở ra ngoài, và bao quanh chợ là một lề đường rộng có mái hiên. Cách thiết kế này vừa tạo ra một không gian tránh nắng nóng hữu hiệu, vừa tạo được sự liền mạch của hoạt động mua bán, trao đổi từ ngoài vào trong chợ. Nhìn những tấm hình của chợ vào thập niên 1930, ta dễ dàng thấy khung cảnh sầm uất nhộn nhịp của chợ ngay từ bên ngoài. Mọi người gặp gỡ, giao dịch, ăn uống dưới mái hiên rộng bóng mát của rìa chợ.

Trên quan điểm thiết kế đô thị, không gian quanh chợ Bến Thành buổi đầu là một không gian công cộng được thiết kế thành công, vì nó là nơi tụ họp của người dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận, kết nối tốt với phố thị và hệ thống giao thông công cộng, có tính mở, thoáng và mát mẻ. Còn thiết kế chợ hiện nay là hình ảnh đối lập với gần trăm năm trước, khi 3 mặt chợ không có gian hàng hướng ra ngoài, mái hiên và lề đường rìa chợ rất hẹp, rất khó để gọi là một không gian cho người đi bộ, chứ chưa nói đến là nơi để người dân gặp gỡ, giao lưu, mua sắm.

Vấn đề thứ hai, là công năng của chợ, hay những mặt hàng – dịch vụ hiện nay, hầu như chỉ nhắm đến khách du lịch trong và ngoài nước. Từ rất lâu phần đông người Sài Gòn không vào chợ vì chợ bị mang tiếng là vừa mắc vừa nói thách. Chợ hầu như chỉ dành cho khách du lịch và trải qua một giai đoạn khủng hoảng khi vắng khách vì đại dịch. Với mô hình kinh doanh mà nguồn thu chủ yếu dựa vào du khách, nhất là khách nước ngoài, liệu ta có thể tự tin để nói rằng chợ Bến Thành là biểu trưng đặc sắc của văn hóa Sài Gòn?

Như vậy, làm thế nào để chợ trở thành không gian gặp gỡ, mua sắm của người dân địa phương, như đã từng trước đây, chứ ko phải chỉ là nơi tham quan, mua quà lưu niệm của khách du lịch, là vấn đề cần được giải quyết. Chợ cần được tái sinh, theo nghĩa “trở lại với hoạt động thường ngày của người dân Sài Gòn”, chứ không chỉ dừng ở việc chỉnh trang hay sửa chữa những hạng mục hư hỏng, xuống cấp.

Vấn đề thứ ba, là quản lý cảnh quan – thiết kế đô thị của không gian đường phố quanh chợ. Dãy nhà của chú Hỏa ngày xưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, loang lổ do tự ý cải tạo, nâng tầng không kiểm soát, và đầy biển quảng cáo. Hoạt động mua bán trên lề đường Phan Chu Trinh, Thủ Khoa Huân và Lê Thánh Tôn khá lộn xộn, mất vệ sinh với phần lề đường hoàn toàn bị lấn chiếm, rất thiếu thân thiện và không an toàn cho người đi bộ. Chúng ta cần một quy chế quản lý cảnh quan đô thị, và phải được thực hiện nghiêm túc, để trả lại nét duyên dáng của không gian quanh chợ ngày xưa, cũng như tạo ra một không gian cho người đi bộ an toàn, sạch sẽ hơn.

Giải quyết được ba vấn đề lớn ở trên, thì thiết kế quảng trường trước cửa Nam của chợ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, vì nó được nằm trong tổng thể không gian đô thị của chợ, không phải gánh lên vai quá nhiều vai trò mà thực ra là của “diễn viên chính” – Chợ Bến Thành.

Điều người viết muốn nói thêm ở đây: Thiết kế quảng trường là một chuyện, tổ chức sử dụng quảng trường như thế nào là một vấn đề khác, nhiều khi còn khó hơn cả việc thiết kế.

Trên thế giới đã có rất nhiều ví dụ về cách sử dụng quảng trường, hay nói đúng hơn là tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, văn hóa, thể thao tại không gian mở trong thành phố, và chúng ta có thể tham khảo để giới thiệu cho quảng trường trước chợ Bến Thành. Ví dụ như tại quảng trường Tòa thị chính Paris, mùa hè người ta làm một sân chơi bóng chuyền bãi biển, mùa đông thì có sân trượt băng, hội chợ giáng sinh, và nhiều sự kiện văn hóa – nghệ thuật cũng được tổ chức tại đây. Hay các sự kiện, lễ hội văn hóa tại phố đi bộ Nguyễn Huệ những năm qua đều là gợi ý cho những ý tưởng mới, để tạo ra một chương trình hoạt động đầy tính sáng tạo ở quảng trường trước chợ.

Quảng trường trước chợ Bến Thành, từ những buổi đầu đã là điểm giao kết nối của nhiều tuyến đường, nhiều loại hình giao thông tại trung tâm Sài Gòn. Ngày ấy công viên 23/9 là nhà ga xe lửa Mỹ Tho, đường Hàm Nghi là ga tàu điện nổi, và sau này là sự xuất hiện của xe đò, xe buýt. Chợ Bến Thành, hay chợ Sài Gòn khi đó, chính là trung tâm thương mại lớn nằm ngay điểm kết nối giao thông trọng yếu. Nói theo quan điểm quy hoạch TOD (Transit oriented development), cách bố trí chợ, nhà ga và các công trình công cộng khác xung quanh có thể đưa vào sách giáo khoa vì tính hợp lý, tính kết nối cao và thân thiện cho người đi bộ.

Ngày nay, ngoài tuyến Metro số 1 sắp hoạt động, nhà ga Bến Thành trong tương lai sẽ là ga trung tâm cho thêm 3 tuyến tàu điện khác. Như một trăm năm trước, khu vực chợ Bến Thành sẽ tiếp tục giữ vai trò đầu mối giao thông công cộng tại trung tâm của Sài Gòn. Không gian trong và ngoài chợ, các tuyến đường bao quanh và quảng trường trước chợ là những không gian công cộng quý giá, chứa rất nhiều tiềm năng để trở thành một tổng thể liên kết lẫn nhau chặt chẽ, giữ được những nét duyên dáng của phố thị Sài Gòn xưa, và là điểm đến hấp dẫn, thú vị và thân thuộc cho cả người dân thành phố và du khách.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích