Quy hoạch Quảng Ninh chiến lược hội tụ trí tuệ tầm quốc tế
Thu hút đầu tư mang tính đột phá
Để tạo ra một Quảng Ninh khác biệt phát triển vượt trội, tỉnh cũng ra đề bài đối với các đơn vị tư vấn quy hoạch là phải đáp ứng được mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, của vùng và các quy hoạch ngành, lĩnh vực; có tính liên kết vùng; phải tạo nên bước đột phá trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; bảo đảm tính hiện đại, đồng bộ, xứng tầm quốc tế…
Các đơn vị tư vấn hàng đầu nước ngoài như tập đoàn McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản) đã được tỉnh mời tham gia. Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên trên đất liền 6.178,8km2 và diện tích mặt biển trên 6.000km2 (do tỉnh quản lý) của tỉnh Quảng Ninh, với phạm vi 13 đơn vị hành chính: 4 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 2 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều) và 7 huyện (Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô).
Trong đó, đặc biệt chú trọng quá trình chuyển đổi mô hình từ “nâu” sang “xanh” để mang lại hiệu quả to lớn, rõ nét. Nghiên cứu quan điểm phát triển không gian của tỉnh Quảng Ninh theo hướng “Một tâm – Hai tuyến – Đa chiều” với “Hai mũi đột phá” là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; Khu kinh tế Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây…
Ông Marco Breu, Giám đốc Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác để triển khai lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 – 2030 và tầm nhìn 2050. Tập đoàn McKinsey & Company sẽ đồng hành và tham vấn hướng phát triển cho tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế quan trọng trên địa bàn; lựa chọn các phương án tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội có hiệu quả, tạo cơ sở cho việc đề xuất phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, đô thị, nông thôn, các khu chức năng; đưa ra phương án tổ chức phát triển mạng lưới, không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội, môi trường và bố trí không gian phát triển hợp lý.
Tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tập trung mọi nguồn lực nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được đề ra về các quy hoạch, tiêu biểu như: Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế ven biển Quảng Yên; Quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; Quy hoạch vùng Đông Triều – Uông Bí – Quảng Yên (khu vực Tây Nam quốc lộ 18A) đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 thị trấn Bình Liêu đến năm 2030, tầm nhìn ngoài năm 2050; Nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050; Nhiệm vụ quy hoạch chung mở rộng thị trấn Đầm Hà.
Ngoài ra, các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với các đơn vị thực hiện lập song song quy hoạch chung thị xã Quảng Yên với quy hoạch khu kinh tế ven biển Quảng Yên. Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch chung các thị xã và vùng huyện trực thuộc như: Điều chỉnh quy hoạch chung tại thị xã Đông Triều, thị xã Quảng Yên, TP. Uông Bí; Quy hoạch vùng huyện Ba Chẽ và quy hoạch chung thị trấn Ba Chẽ; Quy hoạch vùng huyện Đầm Hà và quy hoạch chung mở rộng thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà; Điều chỉnh quy hoạch chung mở rộng thị trấn Tiên Yên…
Định hướng phát triển không gian tương lai
Với tiềm năng, lợi thế sẵn về tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa chiến lược quan trọng, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế toàn diện, hiện đại, có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình phát triển hệ thống đô thị tỉnh đã bộc lộ một số tồn tại, nếu không được quy hoạch kịp thời sẽ gây lãng phí tài nguyên, kém bền vững về môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn tới.
Chính vì vậy, việc lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được tỉnh Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách. Chủ trương của tỉnh là việc lập quy hoạch phải bám sát không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”. Tỉnh Quảng Ninh nằm trong sự phát triển liên kết vùng ở cấp quốc gia và kết nối khu vực ở cấp quốc tế; gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa hệ thống đô thị Quảng Ninh với vùng và khu vực.
Việc thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế của tỉnh để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng sẽ phát huy nội lực phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững và đảm bảo vững chắc về quốc phòng – an ninh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo và lập quy hoạch bám sát đề cương nhiệm vụ quy hoạch đã được HĐND tỉnh thông qua.
Theo đó, định hướng trong tương lai Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm sản xuất, chế biến, chế tạo công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam. Đồng thời, phát triển du lịch đẳng cấp, là điểm đến hấp dẫn của thế giới đi đầu trong phát triển xanh tại Việt Nam. Các định hướng phát triển tỉnh Quảng Ninh được xây dựng dựa trên yếu tố trụ cột tăng trưởng như: Trung tâm sản xuất công nghệ cao, ngành du lịch hấp dẫn, năng lượng sạch…, đặc biệt với nguyên tắc phát triển là chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Xác định các quan điểm, mục tiêu và đột phá phát triển, quy hoạch Quảng Ninh được đưa ra nhiều phương hướng phát triển bao gồm: Phát triển các ngành quan trọng, lựa chọn các phương án tổ chức, phát triển hoạt động kinh tế – xã hội có hiệu quả. Đây sẽ là cơ sở đề xuất phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, đô thị, nông thôn, các khu chức năng. Đồng thời, đưa ra phương án tổ chức phát triển mạng lưới, không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội, môi trường và các giải pháp bố trí không gian phát triển hợp lý.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Quảng Ninh thành lập các Tổ nghiên cứu về hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế – xã hội, tổ chức không gian, hoạt động liên kết vùng, giao thương, hợp tác và các lĩnh vực liên quan của các địa phương của các tỉnh, thành phố lân cận. UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện báo cáo thực trạng và đề xuất các nội dung tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Trên cơ sở ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương và Hội đồng Quy hoạch tỉnh, các đơn vị tư vấn sẽ chỉnh sửa hoàn thiện sản phẩm giai đoạn 1 dự kiến trong tháng 7/2021, đảm bảo các yêu cầu theo nội dung được thống nhất.