Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn theo hướng toàn diện
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 là một trong những quy hoạch ngành trong hệ thống quy hoạch quốc gia và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị trong giai đoạn phát triển 2021 – 2030. Tuy nhiên, đây cũng là việc rất mới và khó bởi chưa có tiền lệ trước đây vì mang tính chất của một hệ thống đô thị nông thôn với những định hướng phát triển trong thời gian tới.
Theo báo cáo của đơn vị lập quy hoạch Viện Quy hoạch Đô thị nông thôn Quốc gia, thực trạng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn thời gian qua mở rộng ở cả 3 cấp độ về không gian hành chính tỉnh, huyện, xã.
Nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh có xu hướng đô thị hoá toàn tỉnh (lên thành phố trực thuộc trung ương). Cùng đó, nhiều đơn vị hành chính cấp huyện có xu hướng đô thị hoá toàn huyện lên thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị hành chính cấp xã đã lên đô thị… Xu hướng này tiếp tục gia tăng mạnh trong thời kỳ 2021 – 2030.
Hiện cả nước có 5 vùng đô thị lớn cấp quốc gia và xét trên bình diện đặc thù vùng miền là 5 thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Trong số đó có 4 thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng có sức lan tỏa liên vùng. Riêng Cần Thơ sức lan tỏa còn hạn chế. Đáng chú ý, Hà Nội và Hải Phòng có xu hướng kết nối trở thành vùng đô thị lớn hợp nhất và tối ưu hoá quan hệ sản xuất.
Trong vùng đô thị lớn, vùng kinh tế xã hội xuất hiện nhiều đô thị vươn lên có sức lan toả liên vùng trở thành mô hình đô thị toàn tỉnh như Bình Dương phát triển nổi bật ở nhiều góc độ tăng trưởng kinh tế, mức thu nhập bình quân đầu người đạt cao nhất cả nước, vượt Hà Nội và TP.HCM.
Cũng theo báo cáo của Viện Quy hoạch Đô thị nông thôn Quốc gia, tốc độ đô thị hóa nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, hình thành hai vùng đô thị lớn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng cùng với chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền. Hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ.
Chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; sự phát triển của một số đô thị đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, để thực hiện tốt quy hoạch đô thị và nông thôn cần rà soát đánh giá, xác định các vấn đề lớn cần giải quyết. Cụ thể là 4 vấn đến lớn cần giải quyết; trong đó, đô thị là động lực phát triển nhưng phải cân đối hài hòa không chỉ yếu tố kinh tế mà còn cả văn hóa xã hội.
“Cần phát triển cân bằng, không thể tách dời giữa đô thị và nông thôn. Đồng thời, vẫn cần kiểm soát không gian phát triển đô thị vì hiện nay đô thị hóa đất đai nhanh hơn rất nhiều so với đô thị hóa dân số…”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, các vấn đề lớn cần giải quyết trong quy hoạch kỳ này là giải quyết điểm nghẽn trong tổ chức không gian đô thị hóa của Việt Nam nhằm tăng cường tích tụ và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế sang giá trị gia tăng cao hơn.
Từ đó, tạo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số đô thị. Đồng thời, kiểm soát không gian đô thị trên nguyên tắc đô thị hoá đất đai tương xứng với đô thị hoá dân số; tạo cân bằng phát triển đô thị và nông thôn.
Khảo sát thực tế cho thấy, hiện môi trường đầu tư kinh doanh tại các đô thị ngày càng được cải thiện. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp khu vực đô thị tiếp tục được nâng cao, nhất là một số tỉnh ở vùng Đông Nam Bộ, Đông Nam sông Hồng như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Bởi vậy, nội dung chủ yếu của quy hoạch có quan điểm Đô thị hoá và phát triển được đặt trong Chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn ngoài 2045. Qua đó, góp phần quan trọng phục vụ mục tiêu xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 phải đảm bảo phát triển bền vững, lấy con người làm trọng tâm. Đô thị hóa thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế và phân bố dân cư hợp lý, chia sẻ lợi ích giữa đô thị – nông thôn. Mục tiêu của quy hoạch là thúc đẩy quá trình đô thị hoá nhanh, hiệu quả, có chất lượng; bền vững hơn về môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đảm bảo được an ninh lương thực.
Ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50% và phấn đấu đạt mức trung bình ASEAN; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9 – 2,3%.
Cùng đó, tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý tại các đô thị loại II trở lên đạt 40 – 45% và 100% đô thị loại II trở lên hoàn thành kế hoạch, chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị… Cả nước có ít 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Từ những mục tiêu này, Việt Nam tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh, đổi mới mô hình phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Muốn vậy, quy hoạch phát triển nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo.
Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á – Thái Bình Dương; đảm bảo tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế./.