Quy hoạch, phát triển đô thị động lực tại vùng Đông Nam Quảng Nam

Vùng Đông Nam Quảng Nam được xác định nằm dọc dài theo đường 129, đi qua các xã ven biển của các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP. Tam Kỳ…

Vùng Đông Nam của tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch

Hiện nay, nhiều đề xuất quy hoạch các khu dân cư, đô thị, dịch vụ và du lịch nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai được xem như động lực “chắp cánh” cho Chu Lai và vùng đông của tỉnh, đưa Quảng Nam tiệm cận hơn với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Đề xuất quy hoạch ba khu dân cư, đô thị hơn 5.700ha

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa ký loạt Tờ trình đề nghị HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) hàng loạt khu dân cư, đô thị dịch vụ và du lịch nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai với tổng diện tích 5.770ha.

Đầu tiên là Khu đô thị Tam Anh Bắc nằm tại xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành, diện tích khoảng 1.157ha, có vị trí phía Đông Bắc giáp sông Tam Kỳ; phía Đông Nam giáp sông Trường Giang, Khu tái định cư Tam Anh Nam và Khu công nghiệp Tam Anh – Hàn Quốc; phía Tây Bắc giáp hành lang đường dây điện 110kV và đất quy hoạch đất nông nghiệp; phía Tây Nam giáp sông Tam Kỳ và đất quy hoạch đất nông nghiệp. Khu dân cư đô thị này được định hướng là khu dân cư đô thị với dân số dự kiến khoảng 73.000 người. Với nguồn kinh phí để thực hiện lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Tam Anh Bắc là 5,2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh.

Trong nội dung nghiên cứu quy hoạch, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Việc quy hoạch sẽ phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, hiện trạng đất xây dựng, dân cư, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật; phân tích các quy định của quy hoạch chung xây dựng có liên quan đến khu vực quy hoạch; đánh giá các dự án, các quy hoạch đã và đang triển khai trong khu vực.

Cùng với đó, quy hoạch cũng xác định các khu vực bố trí khu dân cư đô thị đáp ứng nhu cầu ở để phát triển đô thị và tái định cư cho Khu công nghiệp Tam Anh và các dự án đầu tư xây dựng khác; từng bước hình thành Khu đô thị Tam Anh, phục vụ nhu cầu ở cho các đối tượng là chuyên gia, lao động tay nghề cao trong các khu công nghiệp cũng như các cư dân tại địa phương và nơi khác đến. Qua đó, nội dung của quy hoạch cũng sẽ xác định quy mô và phân khu từng khu chức năng, kiến trúc cảnh quan trong khu đô thị: khu dịch vụ, khu vực ở mới, trường học, tiện ích công cộng trong khu ở… và xác định các giải pháp về hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường.

Phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch tại vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam

Tiếp theo là Khu dân cư đô thị, du lịch, dịch vụ Đông Nam Thăng Bình 2, nằm tại các xã Bình Minh, Bình Đào, Bình Hải, Bình Triều và Bình Sa của huyện Thăng Bình, có diện tích lập quy hoạch khoảng 2.785ha với vị trí đắc địa khi phía Đông Bắc giáp biển Đông; phía Đông Nam giáp đường Võ Chí Công; phía Tây Bắc giáp ranh giới Khu Kinh tế mở Chu Lai; phía Tây Nam giáp khu công nghệ cao và đất định hướng quy hoạch rừng phòng hộ. Đây là khu dân cư đô thị được định hướng kết hợp với các loại hình dịch vụ và du lịch theo các tiêu chí tương đương đô thị loại 2, có chỉ tiêu dân số dự kiến khoảng 94.000 người.

Việc quy hoạch xác định nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với từng phân khu, trục đường chính, không gian mở, điểm nhấn; nghiên cứu tổ chức không gian cảnh quan Khu dân cư đô thị, dịch vụ, du lịch Đông Nam Thăng Bình 2 trên cơ sở định hướng quy hoạch chung, gắn kết với các khu vực du lịch lớn đã và đang hình thành; đề xuất quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch phân khu phù hợp với quy định quản lý quy hoạch, kiến trúc để quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt,…

Bên cạnh đó, còn có Khu dân cư đô thị, du lịch, dịch vụ Đông Nam Thăng Bình 3 được quy hoạch tại các xã Bình Sa và Bình Nam (huyện Thăng Bình), với diện tích lập quy hoạch khoảng 1.828ha. Có vị trí phía Đông Bắc giáp sông Trường Giang; phía Đông Nam giáp ranh giới xã Tam Thăng (TP. Tam Kỳ); phía Tây Bắc và Tây Nam giáp đường Võ Chí Công. Đây cũng được định hướng là khu dân cư đô thị kết hợp với các loại hình dịch vụ và du lịch theo các tiêu chí tương đương đô thị loại 2, dân số dự kiến khoảng 48.000 người.

Đồ án quy hoạch cũng sẽ xác định nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với từng phân khu, trục đường chính, không gian mở, điểm nhấn. Cũng như nghiên cứu tổ chức không gian cảnh quan tương tự Khu dân cư đô thị, dịch vụ, du lịch Đông Nam Thăng Bình 2. Kinh phí cho việc lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư đô thị, du lịch, dịch vụ Đông Nam Thăng Bình 2 và 3 hơn 17 tỷ đồng được chi từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Nam.

Khu du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn Vingroup tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam

Được biết, ba khu dân cư, đô thị này đều nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai. Đây là khu kinh tế ven biển đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào tháng 6/2003, là một trong 8 nhóm khu kinh tế trọng điểm quốc gia, với mô hình khu kinh tế tổng hợp. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý và yếu tố thuận lợi để xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển vùng Đông Nam Quảng Nam đến năm 2030.

Vùng Đông Quảng Nam và sự phát triển các đô thị động lực

Có thể nói, sự phát triển các đô thị động lực tại vùng Đông Nam sẽ tạo nên “sức bật” để vùng Đông tỉnh Quảng Nam hưởng lợi từ sự phát triển của vùng đô thị động lực này.

Được biết, tỉnh Quảng Nam xác định 9 huyện, thành phố, thị xã: Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, Điện Bàn, TP. Hội An và TP.Tam Kỳ là vùng động lực của tỉnh Quảng Nam, làm “bệ phóng” thúc đẩy các vùng lân cận phát triển.

Trong nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Đông tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Quảng Nam cũng xác định đây là vùng kinh tế tổng hợp thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và tỉnh Quảng Nam, với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, dịch vụ, du lịch, công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, khu vực này sẽ tập trung các đô thị lớn, nơi bố trí các trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh, các trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao lớn của toàn tỉnh và khu vực.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng đã ký Tờ trình đề nghị HĐND tỉnh thông qua nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Đông tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 2.743km2, gồm toàn bộ địa giới hành chính 9 huyện, thị xã, thành phố phía Đông tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, việc quy hoạch vùng liên huyện phía Đông sẽ kéo theo sự phát triển của Khu Kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp. Từ đó, sẽ là “bước đệm” để phấn đấu trở thành khu kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đề nghị HĐND tỉnh thông qua nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển, khu vực sông giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045.

Cụ thể, ở khu vực ven biển là tại huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình với tổng diện tích khoảng 118,4km2, thuộc các xã ven sông Trường Giang và ven biển của huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình. Cụ thể gồm các xã: Duy Thành, Duy Vinh, Duy Nghĩa và Duy Hải (huyện Duy Xuyên); Bình Giang, Bình Dương, Bình Triều, Bình Đào và Bình Minh (huyện Thăng Bình) với tổng chiều dài trung bình khoảng 10km; theo trục bắc nam từ huyện Duy Xuyên đến huyện Núi Thành với tổng chiều dài khoảng 40km. Ở khu vực sông là dòng sông Thu Bồn, đoạn từ cầu Giao Thủy đến Cửa Đại có tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 9.516ha; trong đó, phần diện tích đất hai bên và cồn bãi là 6.945ha, diện tích mặt nước là 2.571ha.

Phạm vi lập quy hoạch thuộc địa phận hành chính của các xã, phường: Cửa Đại, Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim (TP. Hội An); Điện Phương, Điện Minh, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang (TX. Điện Bàn); Đại Hòa (huyện Đại Lộc); Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh, Duy Thành, Duy Phước, Nam Phước, Duy Trinh, Duy Châu (huyện Duy Xuyên). Ranh giới phía Bắc cách bờ sông khoảng từ 20m đến 1.300m, được giới hạn bởi các tuyến đường ven sông theo Quy hoạch chung đô thị Hội An, Điện Bàn và Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đại Lộc.

Quảng Nam kỳ vọng quy hoạch đầu tư đô thị vùng Đông Nam sẽ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân

Không chỉ vậy, để vùng Đông Nam Quảng Nam phát triển nhờ các đô thị động lực chính là cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông ngày càng được đồng bộ. Điểm nhấn chính là đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Quốc lộ 1; đường Võ Chí Công dài 69km chạy dọc ven biển, nối TP. Hội An với sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành) được xem là trục giao thông huyết mạch kết nối liên vùng.

Điều này đã đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, tạo động lực phát triển lan tỏa kinh tế ven biển miền Trung nói chung và phát triển vùng kinh tế vùng Đông Nam của Quảng Nam nói riêng. Minh chứng cho sự phát triển này, trong thời gian qua, vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam đã thu hút nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng như: Vingroup, T&T, VinaCapital, BRG, … đến tìm hiểu cơ hội và quyết định đầu tư lâu dài./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích