Quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà cần đồng bộ với các quy hoạch đã được phê duyệt
Quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà cần đồng bộ với các quy hoạch đã được phê duyệt
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn yêu cầu Quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà cần chú ý đúng mức vai trò của hồ Thác Bà trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cấp nước cho Đồng bằng sông Hồng…
Ngày 27/6, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn làm Chủ tịch Hội đồng. Dự Hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy.
Phát triển hồ Thác Bà trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Theo dự thảo Quy hoạch, phạm vi lập Quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích mặt nước hồ Thác Bà và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính huyện Yên Bình và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Quy mô lập quy hoạch khoảng 53.001,03 ha. Thời hạn quy hoạch đến năm 2040.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Yên Bái và các quy hoạch, căn cứ pháp lý khác có liên quan, nhằm mục tiêu phát triển hồ Thác Bà trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước.
Phấn đấu đến năm 2040, toàn Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.
Tạo cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà theo quy hoạch và triển khai các quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng tiếp theo.
Về tính chất, Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà là khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với giá trị văn hoá dân tộc và hệ sinh thái lòng hồ Thác Bà.
Là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu; có sản phẩm du lịch chủ đạo và hình thành thương hiệu cho Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Đây cũng là khu vực bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hoá đặc thù của quốc gia; đồng thời là khu vực có vị trí chiến lược quốc phòng, an ninh quốc gia; vùng đảm bảo an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng Đồng bằng sông Hồng.
Dân số hiện trạng là 125.239 người, dự báo đến năm 2030 khoảng 165.000 người; năm 2040 khoảng 210.000 người.
Quy mô du lịch đến năm 2030 đạt khoảng 1,5 triệu lượt khách; đến năm 2040 đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách.
2 cửa ngõ, 2 hành lang, 4 vùng phát triển, 8 trọng điểm
Quy mô đất xây dựng, đến năm 2040, nhu cầu đất xây dựng các khu chức năng khoảng 11.890 ha.
Định hướng phát triển không gian theo 2 cửa ngõ, gồm khu vực xã Tân Nguyên nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua nút IC14, liên kết các khu trung tâm du lịch Liễu Đô – Vĩnh Lạc và Phúc Ninh – Mỹ Gia.
Cửa ngõ thứ 2 là khu vực thị trấn Yên Bình nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua nút IC12, liên kết các khu trung tâm du lịch Tân Hương – Đại Đồng, Linh Sơn – Cao Biền và thị trấn Thác Bà.
Hai hành lang gồm Hành lang phát triển du lịch: Kết nối từ cửa ngõ Tân Nguyên chạy dọc phía Tây khu du lịch qua đô thị Cảm Ân, trung tâm du lịch Tân Hương – Đại Đồng đến thị trấn Yên Bình.
Hành lang sinh thái: Phát triển du lịch xanh, thân thiện, gắn với sự đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái trải dài từ Mường Lai, Vĩnh Lạc qua Xuân Long, Phúc Ninh, Mỹ Gia, Xuân Lai, Vũ Linh đến Vĩnh Kiên và thị trấn Thác Bà.
Quy hoạch cũng chia thành 4 vùng phát triển gồm: Vùng 1 gắn với khu văn hoá sinh thái Lục Yên; vùng 2 là khu trung tâm phía Tây kết nối với nút giao IC14 cao tốc Nội Bài – Lào Cai; vùng 3 là khu trung tâm cửa ngõ phía Nam; vùng 4 là khu du lịch sinh thái đảo và quần đảo phía Đông.
Quy hoạch cũng chia ra 8 trọng điểm phát triển, gồm 4 trọng điểm phát triển đô thị, gắn với sự phát triển các đô thị, trong đó có 2 đô thị hiện hữu là thị trấn Thác Bà, thị trấn Yên Bình và 2 đô thị mới là đô thị Cảm Ân và đô thị Cảm Nhân…
Bốn trọng điểm phát triển du lịch bao gồm các trung tâm Liễu Đô – Vĩnh Lạc, trung tâm Phúc Ninh – Mỹ Gia, trung tâm Linh Sơn – Cao Biền, trung tâm Tân Hương – Đại Đồng.
Định hướng quy hoạch sử dụng đất, Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà được chia thành 4 phân khu với cơ cấu các loại đất phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Yên Bái đến năm 2030.
Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gồm các loại hình giao thông đường hàng không, đường sắt, đường thuỷ nội địa; cảng, bến thuỷ nội địa; đường bộ.
Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư gồm phát triển các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn; phát triển các khu chức năng, công trình trọng điểm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là du lịch; cải tạo và phát huy nguồn tài nguyên đất và tự nhiên, phát triển cộng đồng văn hoá, đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch cho cộng đồng, thông tin du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái; tôn trọng cảnh quan rừng, sông suối, chú ý cao độ địa hình và công trình không cản trở dòng thoát nước mặt; thực hiện đánh giá tác động môi trường các dự án theo quy định.
Quy hoạch nhằm phục vụ phát triển du lịch, nâng cao đời sống Nhân dân
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, liên quan đến các vấn đề: Phân tích, đánh giá giá trị các khu vực mặt nước, khu vực cảnh quan để phát triển du lịch và bảo tồn phù hợp; đánh giá thực trạng và dự báo nhu cầu giao thông, chú trọng phát triển giao thông đường thủy làm đặc trưng của vùng; đánh giá chất lượng nguồn nước; phát triển thêm hạ tầng xã hội…
Đồng thời các ý kiến tập trung vào yêu cầu luận chứng rõ hơn vấn đề xây đập trong hồ; tính toán giải pháp bù lại phần nước thiếu khi ngăn đập; cụ thể quy trình vận hành của cống thông đập; khuyến cáo đất làm sân gôn không dùng đất có nguồn gốc rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị địa phương và tư vấn luận chứng rõ hơn về dự báo quy mô lượng khách, vì ảnh hưởng đến khả năng giao thông, năng lực cơ sở lưu trú và số ngày lưu trú; xem xét mục tiêu phát triển thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế cho phù hợp; xem xét lại hình thức phát triển sân gôn và cáp treo để tập trung cho các sản phẩm du lịch đặc thù; bảo tồn, phát huy di tích theo đúng quy định; có giải pháp đảm bảo sinh kế cho đồng bào dân tộc…
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đã làm rõ thêm một số nội dung của đồ án.
Về việc xây dựng tuyến đường kết nối ngang đập và hệ thống giao thông địa phương, tỉnh đang đầu tư một số tuyến giao thông ngang để kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai và một số cao tốc chạy song song với cao tốc này để phát triển đồng đều hai bên lòng hồ, nhất là bờ hồ phía Đông khi dân cư ở khu vực này còn nghèo, giao thông hạn chế.
Tuyến cáp treo theo dự thảo Quy hoạch đã được điều tiết ra khỏi các vị trí khai thác khoáng sản, địa phương sẽ lưu tâm rà soát các dự án khai thác khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến mặt nước hồ.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy yêu cầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh và đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định, và bổ sung thêm nội dung về sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan trong bản chỉnh sửa cho quy trình tiếp theo.
“Tài nguyên văn hóa là tài nguyên du lịch, phát triển du lịch phải giữ được văn hoá; đồng thời phát triển kinh tế chính là để trả nghĩa đồng bào, những người đã hy sinh nhà cửa, đất đai để xây dựng hồ thủy điện”- Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao các ý kiến rất có trách nhiệm, thẳng thắn của các thành viên Hội đồng. Đây là một đồ án khó, đan xen giữa nhiều mục tiêu.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn yêu cầu đồ án cần bám sát các nội dung của Nhiệm vụ Quy hoạch, làm rõ hơn quan điểm liên quan đến nội dung phát triển đời sống bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn; đồng thời chú ý vai trò của hồ Thác Bà trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cấp nước cho Đồng bằng sông Hồng.
Đồ án cũng cần đánh giá được thực trạng, tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan, vị trí và điều kiện kết nối giao thông, cơ sở lưu trú, liên hệ với các địa bàn du lịch khác; xem xét thêm vấn đề kết nối với trung tâm hành chính của địa phương, cũng như định hướng cụ thể phát triển các dịch vụ.
Thứ trưởng lưu ý tư vấn bổ sung thêm cơ sở pháp lý, các quy hoạch liên quan; đánh giá sự thống nhất và đồng bộ với các quy hoạch; phạm vi ranh giới theo Nhiệm vụ Quy hoạch đã được phê duyệt.
Đồ án cũng cần có đánh giá hiện trạng các dự án đã đầu tư, những diện tích đã tác động, tránh trường hợp quy hoạch để hợp thức hoá các sai phạm (nếu có).
Các vấn đề liên quan đến sử dụng đất cũng cần đảm bảo về mặt pháp lý. Rà soát, làm rõ luận cứ cho các dự báo về dân số, đất đai, khách du lịch, nhất là vấn đề khách du lịch để có con số phù hợp; chú ý vấn đề đất đai, kiến trúc và kết nối giao thông của các phân khu.
Vấn đề xây đập kết hợp đường giao thông, xây cáp treo, chuyển đổi đất, chuyển đổi rừng, Thứ trưởng đề nghị địa phương cần xem xét thận trọng, đảm bảo tuân thủ các quy định.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị