Quy hoạch khu Đồi Dinh và Đà Lạt: Cách ứng xử với di sản thể hiện mức độ văn minh đô thị
Quy hoạch khu Đồi Dinh và Đà Lạt: Cách ứng xử với di sản thể hiện mức độ văn minh đô thị
Đà Lạt có thể tạo ra được một hoặc nhiều khu “di sản mới” thay vì hiện nay đang bức tử “di sản cũ” là di sản gốc mang đến giá trị cho Đà Lạt.
Đà Lạt cần những người ra quyết định tỉnh táo, không thể đánh đổi phát triển kinh tế trước mắt bằng bất cứ giá nào. Không thể vội vàng khi quyết định một vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến tương lai của đô thị.
Chúng ta cũng không thể trách các kiến trúc sư nước ngoài, khi tham gia vào concept này, họ rõ ràng nhất nhất phải đáp ứng được các yêu cầu của cuộc thi. Nhưng việc ra đề bài, hay nói đúng hơn là ngay từ khâu quy hoạch, chỉ định cho xây công trình dịch vụ lưu trú trên đỉnh đồi Dinh, một di tích lịch sử thời kì đầu hình thành đô thị do người Pháp thiết kế, một mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của trung tâm Đà Lạt, đã là sai lầm (chúng tôi đã phân tích khía cạnh này nhiều lần trong các bài phản biện khi Đà Lạt mới công bố bản quy hoạch 1/500 cho trung tâm Đà Lạt).
Các nguy cơ Đà Lạt sẽ đối mặt
Nếu cố tìm cách cho xây theo thiết kế trên, Đà Lạt sẽ phải đối mặt với các nguy cơ:
Nguy cơ phá vỡ cảnh quan: Khu đồi Dinh Tỉnh trưởng bị đè lên khối khách sạn cao 28m, chiếm chỗ quá lớn, ở tỷ lệ lớn, sẽ làm mất đường chân trời vốn bình yên của khu đồi Dinh và của cảnh quan chung Đà Lạt. Không còn điểm nhìn từ hồ Xuân Hương lên đỉnh LangBiang như ban đầu các quy hoạch gia người Pháp định hướng bài bản. Ở tỷ lệ nhỏ, mất những rặng Long não cổ thụ, công trình Dinh tỉnh trưởng bị đẩy vào môi trường xa lạ trên nóc khách sạn (không phải công trình văn hóa) và công chúng không thể tiếp cận.
Nguy cơ tạo ra đô thị nén: Bản thiết kế mới cho Đồi Dinh sẽ gây sức ép cho khu Hòa Bình hiện đang quá tải. Và khi công trình cao tầng như khách sạn này được xây trên điểm cao nhất trung tâm là đồi Dinh thì tương lai sẽ còn nhiều công trình khác tiếp tục được cắm vào lõi di sản khu Hòa Bình này. Các chức năng mới khiến cho Đà Lạt sẽ bị nén như Sài Gòn, điều này làm mất đi hồn nơi chốn của một đô thị có giá trị đặc biệt như Đà Lạt.
Nguy cơ có những tiền lệ xấu: Nếu sau khi gạt qua dư luận và các góp ý của giới chuyên môn, gạt qua các giá trị bền vững, lâu dài, khách sạn trên đồi Dinh vẫn mọc lên thì đó sẽ là trường hợp điển hình của việc Luật Di sản văn hóa bị vi phạm dễ dàng tại Đà Lạt. Cho dù cuối cùng có hợp thức hóa để không phạm luật, thì đây vẫn là tiền lệ xấu về một đô thị có giá trị di sản nhưng đã khước từ nó để chạy theo kinh tế.
Và trường hợp của đồi Dinh sẽ tạo ra nguy cơ cho các di sản khác: Để có thể phá di sản, người ta sẽ không chăm sóc để nó xuống cấp, sau đó lấy lý do “công trình cũ nhếch nhác, làm mất mỹ quan đô thị, công trình cũ hỏng có nguy cơ sập, công trình để lâu không thể khai thác…” để phá hủy và thay thế bằng một kiến trúc xa lạ, thiếu bản sắc, thiếu đặc thù.
Giải phápcho đồi Dinhvà cho Đà Lạt
Trước mắt, cần có giải pháp giữ Dinh Tỉnh trưởng trong bối cảnh quần thể kiến trúc chung. Các tiện ích mới với khối tích đồ sộ (các khu dịch vụ lưu trú, các tòa nhà hiện đại) phải rời khỏi trung tâm. Trả lại không gian lịch sử và thảm cây xanh. Đầu tư để tôn tạo và đưa vào các chức năng văn hóa, cộng đồng. Tìm hướng tiếp cận giao thông cho khu đồi Dinh để nơi này đến được gần hơn với cộng đồng.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có tiếng nói, đề nghị tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh lại bản quy hoạch 1/500, đối chiếu với bản Quy hoạch chung 1/2.000, xem xét tính khả thi và cân nhắc đến các công trình di sản, công trình giá trị để có định hướng bảo tồn phù hợp…
Về quy hoạch chung, nên học kinh nghiệm của Paris khi quy hoạch khu La Defence (khu thành phố mới) để giảm tải và giữ sạch hoàn toàn cho khu Paris cổ kính. Nhờ quan điểm quy hoạch này mà Paris có hai khu thu hút như nhau vì cả hai đều có nét đặc sắc, người Paris gọi đây là “Di sản cũ” và “Di sản mới”. Hay thành phố Putrajaya của Malaysia, xây năm 1995 về phía nam của Kuala Lumpur để giảm tải cho thành phố thủ đô này. Hiện nay tour du lịch qua Malaysia, ngoài tới Kuala Lumpur còn có tuyến du lịch tới thành phố mới Putrajaya… Theo cách này, Đà Lạt có thể tạo ra được một hoặc nhiều khu “di sản mới” thay vì hiện nay đang bức tử “di sản cũ” là di sản gốc mang đến giá trị cho Đà Lạt.
Hãy nhìn từ giá trị cốt lõi của Đà Lạt, tiềm năng thực sự và những tiêu chí cần đạt được khi phát triển. Chắc chắn khi đó Đà Lạt sẽ có quyết định thông minh hơn, phù hợp hơn với đặc thù của đô thị, thỏa mãn được yêu cầu của cả chính quyền, người dân và khách du lịch.
Chọn cách ứng xử với di sản sẽ thể hiện mức độ văn minh của đô thị, sự nhạy bén, nhân văn và có tầm nhìn của những người lãnh đạo. Không thể vì mối lợi kinh tế trước mắt mà đánh mất giá trị bền vững của đô thị. Thiếu phân tích và đưa ra giải pháp vội vàng cho đô thị Đà Lạt sẽ có thể dẫn đến một sai lầm không thể sửa chữa được.
Vì vậy các cơ quan ra quyết định hãy bình tĩnh và có trách nhiệm hơn ngay tại thời điểm này! Thành quả nào cũng phải đánh đổi bằng sự hy sinh, nhưng sự hy sinh này của Đà Lạt sẽ là tổn thất lớn, là sự mất mát không chỉ với Đà Lạt mà với tất cả chúng ta – đó là một đô thị không còn sức hấp dẫn.
PGS–TS–KTS. Nguyên Hạnh Nguyên
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị