Quy hoạch không gian ngầm đô thị gắn với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)

Mới đây, tháng 10/2021, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và người dân về “Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM”, trong đó có vấn đề quy hoạch không gian ngầm của thành phố. Sau gần 1 thập kỷ chỉ nằm trong quy hoạch, đến nay, dự thảo này đã mở ra một giai đoạn tăng tốc triển khai không gian ngầm đô thị tại TP.HCM. 

Theo đó, ngay trung tâm thành phố, công viên Mê Linh, đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng… ở quận 1 sẽ được xây dựng thành các không gian ngầm phục vụ đi lại, mua sắm và giải trí của người dân. Không gian ngầm sẽ được thiết kế thành các tầng hạ tầng như đường đi bộ, bãi đậu xe, trung tâm thương mại dưới lòng đất…

không gian ngầm đô thị, không gian ngầm, phát triển bền vững
Phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ được phát triển thành không gian ngầm nhiều tầng. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM trong giai đoạn tới, quy hoạch không gian ngầm là phương án cấp bách và cần thiết để tăng cường khai thác không gian đô thị với quy mô dân số ngày càng lớn. Chia sẻ với báo chí, KTS. Khương Văn Mười cho rằng, bản dự thảo của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đã khá hoàn thiện, vấn đề là cần nhanh chóng được triển khai, bởi “đây không chỉ là nền tảng cho sự phát triển, mà còn là nhu cầu thiết yếu của TP.HCM”. 

Thực tế, không chỉ riêng TP.HCM, xây dựng không gian ngầm là một bài toán quy hoạch đặt ra với các thành phố lớn của Việt Nam từ rất lâu, bởi mỗi năm dân số tăng nhanh kéo theo mật độ dân số lớn, gây áp lực đến các hạ tầng mặt đất và làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân. 

Tuy nhiên, điểm mấu chốt là phải quy hoạch không gian ngầm như thế nào để vừa khai thác nguồn tài nguyên hợp lý, vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân và vừa có thể đảm bảo sự phát triển bền vững của các hạng mục công trình.

Tháng 3/2021, các nhà khoa học đến từ Đại học Đồng Tế, Thượng Hải (Trung Quốc) và Đại học Melbourne (Úc) đã công bố một nghiên cứu có tên “A collaborative approach for urban underground space development toward sustainable development goals: Critical dimensions and future directions” (Tạm dịch: Cách tiếp cận tích hợp nhằm phát triển không gian ngầm đô thị hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững: Những khía cạnh quan trọng và định hướng trong tương lai). 

Nghiên cứu đã liên kết các khái niệm khoa học và trường hợp thực tế của không gian ngầm đô thị với 11 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs – Sustainable Development Goals, được thông qua vào năm 2015, đây là một trong những khung tiêu chuẩn quan trọng đặt ra nhằm đạt được sự hòa bình và thịnh vượng toàn cầu vào năm 2030). Từ đó, các nhà khoa học đã đề ra một cách tiếp cận tổng quát về sự phát triển bền vững của không gian ngầm đô thị.

Không gian ngầm là một thành phần quan trọng trong kiến trúc đô thị 

Theo dự án nghiên cứu Engineering Fronts 2018 của Viện Công trình Trung Quốc (Chinese Academy of Engineering), không gian ngầm đô thị là một trong 10 hạng mục phát triển hàng đầu của lĩnh vực dân dụng, thủy lợi và kỹ thuật kiến trúc. Khi nhu cầu sử dụng mặt bằng gia tăng gây áp lực đến diện tích đất đô thị, các thành phố đông dân ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển đều chú trọng xây dựng không gian ngầm đô thị như một loại tài nguyên màu mỡ. 

Tại Trung Quốc, tổng chiều dài của các tuyến đường sắt vận tải ngầm đang hoạt động và các hầm tiện ích đang được xây dựng đã lần lượt vượt qua con số 5.000km và 7.800km từ năm 2018. Mạng lưới đường sắt và đường cao tốc ngầm có thể thay thế 5% đến 8% diện tích đường mặt bằng đô thị. Với tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng (tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 20,16% vào năm 1981 lên đến 56,10% vào năm 2015), dự kiến đến năm 2035, tổng hệ thống vận tải đường sắt đô thị ở đất nước tỷ dân sẽ đạt hoặc vượt 15.000km, dựa trên nghiên cứu “Tiến độ khai thác không gian ngầm đô thị ở Trung Quốc” của các nhà khoa học. 

Thành phố thưa dân Melbourne của Úc cũng đã đề cập đến việc sử dụng không gian ngầm đô thị như một phương án cải thiện năng suất của hạ tầng giao công công cộng bằng các dự án xây dựng đường ngầm. Có thể kể đến như dự án Đường hầm cổng Tây (West Gate tunnel) nhằm giảm lượng phương tiện trên đường cao tốc cổng Tây và cầu cổng Tây, đồng thời hạn chế lượng xe tải ùn tắc tại các đường dân cư. Dự án này có giá trị lên tới 6,7 tỷ Đô la Mỹ, ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2022 nhưng bị kéo dài đến năm 2024 vì một số nguyên nhân liên quan đến xử lý đất ô nhiễm. 

không gian ngầm đô thị, không gian ngầm, phát triển bền vững
Dự án đường hầm cổng Tây thành phố Melbourne, Úc. (Ảnh: Victorian Government)

Không chỉ được ứng dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải, không gian ngầm còn được ứng dụng trong xây dựng dân sinh với hầm để xe, siêu thị, trung tâm thương mại, bảo tàng… dưới lòng đất. Những công trình này tiêu tốn diện tích đất rất lớn mà mặt bằng đô thị không thể đáp ứng được. Trong trường hợp đó, không gian ngầm là giải pháp hiệu quả về cả công năng và phương diện thẩm mỹ. 

Ở thành phố Tokyo, Nhật Bản, hơn 99,9% các tòa nhà hiện tại đều được trang bị tầng hầm với độ sâu tương ứng 4 tầng nhà. Tòa tháp Tokyo Skytree nổi tiếng cũng có tầng hầm sâu tới 35m với hệ thống sưởi và trữ nước hiện đại. Nhật Bản cũng là quốc gia thành công điển hình trong việc quy hoạch và liên kết các không gian ngầm với nhau để tạo thành một khu tổ hợp có diện tích lớn và tích hợp nhiều chức năng. 

Đến năm 2019, theo thống kê của chính quyền thủ đô Tokyo, thành phố có 63.000 khu vực dưới lòng đất, với hệ thống tàu điện ngầm, đường đi bộ dưới lòng đất và các khu mua sắm. Chỉ tính riêng 8 khu mua sắm trong lòng đất lớn nhất ở Tokyo có tổng diện tích lên tới 214.000m2 (theo Bnews). 

Mô hình kinh doanh trong ga tàu điện ngầm và trung tâm thương mại dưới lòng đất phát triển rất mạnh ở Tokyo. Những địa điểm này cung cấp hàng nghìn mặt hàng khác nhau và phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi ngày. 

không gian ngầm đô thị, không gian ngầm, phát triển bền vững
Tòa tháp Tokyo Skytree, Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: Petro Times)

Xây dựng không gian ngầm đô thị nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 

Trong bối cảnh chưa thực sự có một khung đánh giá chung nào để đo lường tính bền vững của sử dụng không gian ngầm đô thị, SDGs có thể được tiếp cận như là các quy chuẩn chung nhằm xác định mức độ đóng góp của các công trình ngầm đối với sự phát triển bền vững của các thành phố. 

Sự liên kết giữa không gian ngầm đô thị và SDGs có thể được tiếp cận từ 2 hướng: Sử dụng không gian ngầm được xây dựng bằng vật liệu bền vững và sử dụng không gian ngầm để xây dựng đô thị bền vững. Cho dù tiếp cận theo góc độ nào, tính bền vững của việc sử dụng không gian ngầm trong quy hoạch đô thị và tính bền vững mà SDGs đề ra có sự liên hệ chặt chẽ với nhau. 

Các nhà khoa học đã phân tích những trường hợp cụ thể để làm rõ mối liên hệ này với nhận định: Không gian ngầm đô thị có vai trò nhất định trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. 

Đơn cử như đối với SDGs số 9: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, khuyến khích đổi mới tiên tiến và xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, không gian ngầm đô thị đóng vai trò như một công cụ nâng cấp khả năng hoạt động của các ngành công nghiệp. Các cơ sở hạ tầng đô thị ngầm cũng được đánh giá là một dạng cơ sở hạ tầng chất lượng, bền vững và có khả năng phục hồi. 

Như trường hợp của TP. Thượng Hải (Trung Quốc), với chiến lược đặt các yếu tố an ninh, khả năng phục hồi và bảo vệ sinh thái làm trung tâm để phát triển, thành phố này đã xây dựng 4 dự án giao thông quan trọng đều sử dụng hoặc xem xét thay thế bằng cơ sở hạ tầng ngầm. Bốn dự án bao gồm: Kênh Chữ thập Bắc Thượng Hải, đường hầm thoát nước sâu, đường hầm hậu cần cảng Thượng Hải và hệ thống thu gom, xử lý chất thải ngầm. 

Cơ sở hạ tầng ngầm và không gian ngầm cũng được ứng dụng như giải pháp thay thế duy nhất cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng hoặc thiết lập các cơ sở mới ở các trung tâm đô thị cũ. Những dự án điển hình có thể kể đến như nâng cấp hoặc hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị, mở rộng mạng lưới tiện ích ở Pamplona, ​​Tây Ban Nha, mở rộng sân bay ở Thượng Hải, nâng cấp hệ thống vận chuyển hàng hóa ở Singapore…

Đối với SDGs số 11: Xây dựng đô thị và cộng đồng phát triển bền vững, không gian ngầm đóng góp ở nhiều khía cạnh như nâng cao hạ tầng giao thông, bảo vệ di sản văn hóa, phục hồi đô thị, mở rộng không gian công cộng…

Bên cạnh những ứng dụng thông thường của không gian ngầm trong lĩnh vực giao thông như hầm ngầm, đường ngầm, không gian ngầm cũng có thể góp phần bảo vệ di sản dưới lòng đất và cải thiện cảnh quan. Bảo tàng ngầm “Cỗ xe 6 ngựa của Hoàng đế” ở Lạc Dương, Trung Quốc là một ví dụ điển hình của việc ứng dụng không gian ngầm đô thị trong gìn giữ di sản quốc gia.

không gian ngầm đô thị, không gian ngầm, phát triển bền vững
Bảo tàng ngầm “Cỗ xe 6 ngựa của Hoàng đế” được xây dựng từ một khu mộ cổ khai quật vào năm 2002 và chính thức mở cửa tham quan vào năm 2003 (Ảnh: Internet)

Tăng cường khả năng phục hồi đô thị cũng là một trong những khía cạnh mà không gian ngầm có thể cung cấp nhiều giải pháp đa dạng. Không gian ngầm có thể được ứng dụng như một nơi an toàn vững chắc để bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ con người và tài sản trước thiên tai, giảm thiểu tác động tiêu cực của những sự cố như cháy nổ, rò rỉ nhiên liệu…

Đối với mục tiêu mở rộng không gian công cộng thì không gian ngầm có thể trực tiếp cung cấp tài nguyên để xây dựng hồ bơi, nhà thi đấu thể thao, trung tâm nghệ thuật, nhà hát, bảo tàng, trung tâm mua sắm…, những nơi mà rất khó để mở rộng xây dựng khi diện tích đất trên bề mặt của thành phố đã trở nên khan hiếm. Ở những quốc gia như Nhật bản, Phần Lan, Na Uy hay Canada, những không gian công cộng dưới lòng đất đã trở nên quen thuộc. 

không gian ngầm, không gian ngầm đô thị, phát triển bền vững
Depachika – “chợ tầng hầm” độc đáo tại Nhật Bản. (Ảnh: The Japan Times)

Trên đây chỉ là 2 trong số 11 SGDs có liên hệ với không gian ngầm đô thị mà các nhà khoa học đã phân tích và chứng minh. Có thể thấy, trên thực tế, việc sử dụng không gian ngầm đô thị có thể giúp thành phố đạt được các chỉ tiêu về phát triển bền vững theo khung tham chiếu 17 SDGs của Liên Hợp Quốc nếu được triển khai một cách hợp lý. 

Đặt trong hệ quy chiếu của SDGs, quy hoạch không gian ngầm đô thị có thể được coi là quy hoạch bền vững khi những công trình ngầm đáp ứng được các nội dung đề ra của SDGs. Hay nói cách khác, SDGs có thể được các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch đô thị sử dụng như một công cụ tham chiếu và trả lời cho câu hỏi: Đâu là phương hướng phát triển không gian ngầm đô thị bền vững? 

Tại Việt Nam, tình trạng xây dựng không gian ngầm manh mún, riêng lẻ, chỉ khai thác riêng cho từng dự án, tiêu biểu tại Hà Nội và TP.HCM khiến việc sử dụng không gian ngầm chưa thực sự hiệu quả. Do đó, cần phải có một khung quy định hay hệ quy chiếu chung để làm nền tảng, xây dựng kế hoạch khai thác không gian ngầm đô thị một cách bài bản, hiệu quả, có tính liên kết và hướng tới sự phát triển bền vững. 

Thông qua kinh nghiệm thực tiễn về quy hoạch không gian ngầm của các nước trên thế giới, SDGs hoàn toàn có thể được ứng dụng với tính chất hướng dẫn quy hoạch không gian ngầm tại đô thị Việt Nam để đạt được hiệu quả khai thác hợp lý, lâu dài, đem lại nhiều giá trị. 

Nhìn chung, không gian ngầm đô thị cho thấy khả năng sáng tạo và ứng dụng của con người trên nhiều phương diện, nhiều mục đích. Làm sao để sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên đặc thù của không gian dưới lòng đất là thách thức đặt ra với những người làm quy hoạch đô thị, trong tầm nhìn hướng tới một thế giới hiện đại và văn minh hơn./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích