Quy hoạch đường dọc bờ sông Sài Gòn trở thành “đặc sản văn hoá” của TP.HCM
Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cần khẩn trương thành lập tổ công tác để hỗ trợ thúc đẩy quy hoạch tại TP. Thủ Đức, từ đó hoàn thiện đề án lập đồ án quy hoạch đô thị của TP.HCM. Đồng thời tăng cường đi cơ sở, nắm bắt tình hình để thực hiện tốt nhiệm vụ, nỗ lực sớm hoàn thành các đề án như: điều chỉnh đề án khu đô thị lấn biển Cần Giờ, bờ kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn…
Đây là yêu cầu của ông Lê Hoà Bình – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, trong năm 2021 Sở đã hoàn thành lập nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố năm 2040, tầm nhìn 2060 và nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công tác quy hoạch tại huyện Cần Giờ đang rà soát các vướng mắc để báo cáo UBND TP.HCM xem xét chấp thuận chủ trương UBND huyện Cần Giờ nghiên cứu đồ án quy hoạch vùng huyện; Kiến nghị UBND thành phố chủ trương lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 điểm dân cư nông thôn trên địa bàn huyện Cần Giờ theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt.
Song song với đó, Sở cũng rà soát quy hoạch các Khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM; hoàn thiện cơ sở pháp lý công tác quản lý quy hoạch – kiến trúc đô thị…
Ông Nhã cho biết thêm, đến nay TP.HCM đã hoàn thành việc phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 – 1/5.000 với khoảng 600 đồ án có tổng diện tích 88.260ha.
Trong năm 2022, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM chú trọng hoàn tất phê duyệt đề cương và tổng dự toán, bố trí kinh phí thường xuyên cho công tác lập quy hoạch chung TP.HCM năm 2040, tầm nhìn 2060; xây dựng đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức, tỷ lệ 1/10.000; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị Tam Đa, phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức.
Thiết kế đô thị và điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch 1/2.000 các khu vực dọc tuyến Metro số 1, Vành đai 2, dọc các trục đường Mai Chí Thọ – Võ Văn Kiệt…
Đặc biệt, Sở cũng thực hiện triển khai 04 đề án chuyên đề đã được UBND TP.HCM phê duyệt, gồm: Đề án hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM giai đoạn 2020 – 2035; Đề án phát triển hạ tầng công nghiệp TP.HCM 2020 – 2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020 – 2025; Đề án phát triển bờ kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 – 2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020 – 2025; Đề án phát triển hạ tầng dịch vụ TP.HCM giai đoạn 2020 – 2025, hướng đến năm 2040.
Đối với đề án phát triển bờ kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc mời các chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm để tạo phát huy hết giá trị của sông Sài Gòn.
“Làm sao để có con đường dọc bờ sông đẹp chạy từ quận 1 đến huyện Củ Chi, là điểm nhấn của TP.HCM cũng như là không gian sinh hoạt công cộng phục vụ người dân và du khách”, ông Bình nhấn mạnh.
Thực trạng sử dụng 2 bờ sông Sài Gòn
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, sông Sài Gòn khúc chảy qua TP.HCM có thể phân chia thành 03 đoạn, với 50 quy hoạch phân khu (hiện tất cả đã phủ kín).
Đoạn 1: Từ ranh giới phía bắc TP.HCM đi qua huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12, một phần quận Bình Thạnh (phía bờ tây) và một phần TP. Thủ Đức (phía bờ đông) đến cầu Bình Triệu. Đoạn này có chiều dài khoảng 60km, chia tiếp thành hai đoạn 1A và 1B.
Đoạn 1A: Từ ranh giới phía bắc TP.HCM thuộc địa bàn huyện Củ Chi đến cầu Bình Phước trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn quận 12 (chiều dài khoảng 54 km). Đoạn này đã phủ kín quy hoạch phân khu với 15 đồ án. Định hướng quy hoạch là các khu vực du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng và khu dân cư nông thôn kết hợp với kinh tế vườn, các khu nhà ở mật độ thấp.
Đoạn 1B: Từ cầu Bình Phước (quốc lộ 1A) đến cầu Bình Triệu đi qua quận 12, quận Bình Thạnh và một phần TP. Thủ Đức. Đoạn này có chiều dài khoảng 6km, là khu vực đã và đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Đoạn này cũng đã phủ kín quy hoạch phân khu với 10 đồ án, định hướng quy hoạch chủ yếu là khu dân cư.
Đoạn 2: Từ cầu Bình Triệu đến cầu Tân Thuận đi qua quận Bình Thạnh (phía bờ tây) và một phần TP. Thủ Đức, chiều dài khoảng 15km. Đây là đoạn đã đô thị hóa với mật độ cao, trong đó có trung tâm TP.HCM 930ha là khu vực tập trung các dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng cấp thành phố, các trung tâm thương mại – dịch vụ – du lịch và nhà ở quy mô lớn. Đây cũng là khu vực có tiềm năng phát triển các ngành thương mại – dịch vụ – du lịch – vui chơi giải trí.
Đoạn 3: Từ cầu Tân Thuận đến hết sông Sài Gòn tại khu vực mũi Đèn Đỏ, quận 7 ở bờ phía tây và một phần TP. Thủ Đức (bờ phía đông), chiều dài khoảng 6km.
Không gian ven bờ sông đoạn 3 phần lớn là đất trống, cây xanh tự nhiên, chưa đầu tư xây dựng thành công viên cây xanh theo quy hoạch. Công trình kiến trúc dọc bờ sông chủ yếu là dạng nhà ở thấp tầng (nhà biệt thự, nhà liền kề…).
Đoạn này đã phủ kín quy hoạch phân khu với 12 đồ án (07 đồ án bờ tây và 05 đồ án bờ đông). Định hướng quy hoạch các khu vực tiếp giáp với hành lang bảo vệ bờ sông là khu dân cư, công nghiệp, kho bãi hàng hóa gắn với cảng sông và khu công viên văn hóa giải trí tại khu vực mũi Đèn Đỏ.